“Đánh giá sức khỏe doanh nghiệp” khi đăng ký tham gia giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN 2020

Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN 2020 (Asean Business Awards 2020 – ABA2020) năm nay không chỉ đơn thuần là quá trình xem xét, lựa chọn doanh nghiệp xuất sắc nhất thuộc các lĩnh vực khác nhau trong cộng đồng ASEAN, mà còn là một lần “kiểm định sức khỏe” cho tất cả các doanh nghiệp đăng ký tham dự trong giai đoạn Chính phủ và các doanh nghiệp ứng phó với đại dịch Covid-19.

Ông Bùi Tuấn Minh, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Nam đã chia sẻ về những lý do các doanh nghiệp trong khu vực ASEAN nên tham dự giải thưởng ABA năm nay.

Thưa ông, giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN 2020 năm nay có điểm gì khác biệt so với giải thưởng các năm trước khi diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát và tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu và khu vực?

Ông Bùi Tuấn Minh: Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN 2020 là một cơ hội khẳng định vị thế, truyền thông quảng bá sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp đạt giải đến cộng đồng ASEAN.

Ông Bùi Tuấn Minh: Giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN 2020 là một cơ hội khẳng định vị thế, truyền thông quảng bá sản phẩm, dịch vụ của các doanh nghiệp đạt giải đến cộng đồng ASEAN.

Ông Bùi Tuấn Minh: Với chủ đề của năm ASEAN 2020 là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng”, Ban Tổ chức có những thay đổi khác biệt trong bối cảnh và tác động mạnh mẽ của Covid-19.

Ví dụ, giải thưởng năm nay có thêm hạng mục Ứng phó với Covid-19 (Combating Covid-19), nhằm ghi nhận các đóng góp quan trọng của doanh nghiệp trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19 và khắc phục tác động tiêu cực của đại dịch đối với đời sống kinh tế-xã hội các nước ASEAN. 

Tác động của Covid-19 cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp nên tham gia giải thưởng năm nay vì đây được xem như một lần kiểm định sức khỏe doanh nghiệp, đặc biệt nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) – nhóm bị ảnh hưởng nặng nề trong giai đoạn này.

Thông qua quá trình rà soát, tổng hợp thông tin, trả lời nội dung theo hướng “mở” khi chuẩn bị hồ sơ, các doanh nghiệp có thể tự xem xét, đánh giá chiến lược và tính hiệu quả hay thậm chí nhìn ra được những lỗ hổng nếu có trong hệ thống quản lý, hệ thống điều hành và văn hóa doanh nghiệp.

Từ kết quả thu được, doanh nghiệp có thể tự cải thiện năng lực, điều chỉnh chiến lược, xây dựng kế hoạch và các phương án hoạt động thích hợp, đưa ra doanh nghiệp của mình sống sót và phát triển sau khủng hoảng.

Với mong muốn nâng cao vị thế của giải thưởng trong khu vực cũng như và phát huy tối đa sự tương trợ và tạo dựng liên minh giữa các doanh nghiệp trong khu vực, sáng kiến thành lập Câu lạc bộ ABA (ABA Club) của Việt Nam được các nước ASEAN đánh giá cao.

ABA Club dành cho các doanh nghiệp chiến thắng giải thưởng qua các năm, nơi các doanh nghiệp có thể chia sẻ những thông tin và hiểu biết chuyên sâu về từng lĩnh vực, thị trường mà họ đang hoạt động.

Bên cạnh đó, đây cũng là một nguồn động lực để thúc đẩy nhiều hơn nữa những doanh nghiệp tham gia giải thưởng và các doanh nghiệp cũng tự đánh giá, nâng cao chất lượng của mình để xứng tầm với giải thưởng ABA.

Quy trình nhận đơn đăng ký có gì thay đổi gì so với năm ngoái, thưa ông?

Ông Bùi Tuấn Minh: Với mong muốn nâng cao trải nghiêm cho các doanh nghiệp khi đăng ký tham gia giải thưởng Doanh nghiệp ASEAN 2020 năm nay, Ban tổ chức đã thực hiện một số cải tiến mới trong quy trình đăng ký tham dự giải.

Thay đổi lớn nhất trong giải thưởng năm nay là toàn bộ hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp sẽ được chuyển từ hình thức nộp trực tiếp sang trực tuyến tại website aba2020.vn.

Các thông tin về giải thưởng cùng các hạng mục được thể hiện chi tiết và rõ ràng giúp cho các doanh nghiệp tìm hiểu kỹ và lựa chọn hạng mục giải thưởng phù hợp nhất.

Nội dung đơn đăng ký được thay đổi so với những năm trước. Theo đó, thông tin doanh nghiệp cung cấp sẽ ở dưới dạng mở, giúp cho các giám khảo có thể đánh giá và đưa ra các quyết định chính xác nhất.

Các thông tin được doanh nghiệp cung cấp cũng được Ban tổ chức cam kết bảo mật và chỉ được sử dụng với mục đích đánh giá doanh nghiệp trong giải thưởng này.

Ông có thể chia sẻ thêm tiêu chí lựa chọn Ban Giám khảo năm nay và quy trình chấm thi sẽ được thực hiện thế nào khi việc di chuyển trong khu vực vẫn đang bị hạn chế?

Ông Bùi Tuấn Minh: Hội đồng Giám khảo năm nay bao gồm 10 thành viên là các chuyên gia, học giả và nhà kinh tế hàng đầu đại diện cho 10 quốc gia trong khu vực ASEAN.

Hướng đến quy tụ một Hội đồng giám khảo làm việc hiệu quả và công minh, Deloitte Việt Nam đã hoàn thiện bộ tiêu chí lựa chọn Hội đồng giám khảo, đảm bảo các giám khảo có trình độ chuyên môn, uy tín nghề nghiệp, có nhiều đóng góp cho sự thành công của các tổ chức, doanh nghiệp, hoặc đóng góp các nghiên cứu danh giá được cộng đồng ASEAN tín nhiệm và công nhận.

Một trong những tiêu chí quan trọng để đảm bảo tính độc lập của giải thưởng, tùy theo mức độ ảnh hưởng của mâu thuẫn lợi ích cũng như tính độc lập, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo có quyền yêu cầu vị giám khảo đó vắng mặt trong phiên thảo luận về ứng viên liên quan.

Với tư cách là đối tác chiến lược cho giải thưởng ABA năm 2020, Deloitte Việt Nam sẽ phụ trách điều phối buổi họp Hội đồng Ban giám khảo, hỗ trợ các giám khảo trong quá trình thảo luận phân tích, đánh giá ứng viên để lựa chọn ra doanh nghiệp/cá nhân đạt giải.

Về phương thức làm việc, tổ chức buổi họp đánh giá, Ban tổ chức sẽ căn cứ vào tình hình diễn biến của đại dịch COVID-19, để đưa ra phương án thích hợp nhất.

Giải thưởng đang ở thời điểm nước rút cho các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ, ông đánh giá thế nào về những doanh nghiệp đăng ký tham dự đến thời điểm hiện tại?

Ông Bùi Tuấn Minh: Còn quá sớm để đưa ra bất kỳ nhận định hay đánh giá về những doanh nghiệp đăng ký tham dự tại thời điểm này.

Tuy nhiên, có một điểm thú vị là bên cạnh các công ty thuộc nhóm ngành ổn định, ít chịu nhiều tác động bởi đại dịch, chúng tôi tiếp nhận một lượng lớn hồ sơ của các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành dịch vụ, đặc biệt là khách sạn và dụ lịch.

Đây là một điều khá bất ngờ khi đây là nhóm ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19.

Điều này càng khẳng định sự lạc quan và niềm tin của các doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại, càng trong khủng hoảng, các doanh nghiệp càng cần có những cách đánh giá sức khỏe để đưa ra những chiến lược phát triển trong thời gian tới. 

Theo Đời sống
back to top