<div> <p>Tối 2/1, trên đường đi đón khách, anh Hoàng Trọng T, một tài xế xe ôm Grab bị Tổ công tác Đội CSGT số 6 làm nhiệm vụ tại ngã tư Xuân Thủy - Cầu Giấy (Hà Nội) dừng xe <strong><span>kiểm tra nồng độ cồn</span></strong>. Dù uống rượu từ hôm trước nhưng hôm sau nồng độ cồn trong hơi thở của anh T vẫn ở mức 0,051mg/lít khí thở. Anh bị xử phạt 2 triệu đồng do vi phạm nồng độ cồn ở mức thấp. Để không gặp tình huống như anh T, nhiều người đang tìm mua máy đo nồng độ cồn, nhằm chủ động tự kiểm tra trước khi tham gia giao thông.</p> <p>Anh Vũ Trường Thắng, giám đốc một sàn bất động sản tại huyện Hoài Đức, TP Hà Nội cho biết, vì tính chất công việc, anh phải tiếp khách thường xuyên và uống bia, rượu là khó tránh. “Mỗi lần ký hợp đồng, tôi thường uống ít rượu vang để chúc mừng nhau và vẫn tỉnh táo. Dù vậy, tôi vẫn lo bị phạt nặng khi bị kiểm tra. Mức phạt rất cao, lên đến hàng chục triệu đồng và bị tước giấy phép lái xe thì chỉ vi phạm một lần, tiền nộp phạt cũng vượt nhiều lần số tiền mua máy. Để chắc chắn, tôi quyết định mua máy đo nồng độ cồn, tự kiểm tra mỗi khi đi tiếp rượu đối tác. Nếu nằm trong ngưỡng cho phép, tôi sẽ tham gia lưu thông. Còn ngược lại, tôi sẽ tìm cách khác để về nhà, tránh phạm luật”, anh Thắng nói.</p> <p>Trao đổi với PV Tiền Phong, nhiều chủ căn hộ chung cư cho biết, họ còn rủ nhau mua chung máy đo nồng độ cồn để sử dụng.</p> <p>Theo khảo sát của PV, trên thị trường hiện nay có nhiều loại máy đo nồng độ cồn, xuất xứ từ Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc. Chỉ cần vào mạng, gõ từ khóa “máy đo nồng độ cồn” sẽ xuất hiện hàng chục đơn vị cung cấp. Giá cả tùy thuộc vào mẫu mã, nơi sản xuất, thời gian bảo hành và tính năng, dao động từ 250.000 đồng đến hơn 5.000.000 đồng/máy.</p> <p>Anh Thanh Hải, nhân viên kinh doanh trang “Đồ thông minh” cho biết, gần 1 tuần trở lại đây số lượng người mua máy đo nồng độ cồn tăng đột biến. Khách hàng chủ yếu là dân kinh doanh, đơn vị vận tải. “Trung bình mỗi ngày cửa hàng tôi bán được từ 10 đến 15 sản phẩm, đa phần mọi người lựa chọn máy nguồn gốc của Hàn Quốc vì độ chính xác cao”, anh Hải nói.</p> <p>Hiện nay trên thị trường có nhiều loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ, được chào bán giá từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng. “Nhiều loại máy giá rẻ nhưng xuất xứ trôi nổi, độ chính xác không cao. Người mua cần cẩn trọng tìm tới địa chỉ kinh doanh uy tín để mua được loại máy tốt nhất”, anh Hải nói thêm.</p> <p>Thượng tá Nguyễn Quang Nhật, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, máy đo nồng độ cồn trang bị cho lực lượng CSGT khi tuần tra kiểm soát và xử lý được nhập từ Úc và các nước tiên tiến, đã được kiểm định của Bộ Khoa học và Công nghệ, đảm bảo được các thông số kỹ thuật theo quy chuẩn. Với các máy đo nồng độ cồn được bán trên thị trường, tiến sĩ Nguyễn Phú Hải, giảng viên bộ môn Công nghệ thực phẩm, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa HN) cho biết, chỉ có thể dùng để tham khảo qua đó điều chỉnh lượng bia, rượu nạp vào cơ thể, tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, công việc.</p> <blockquote class="summarize cms-quote"> <p>Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực từ 1/2/2020 quy định như sau. Tại mức vi phạm nồng độ cồn cao nhất, người đi xe đạp sẽ chịu mức phạt 400.000 đến 600.000 đồng; người đi xe máy bị phạt 6 đến 8 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng; người đi ôtô bị phạt 30 đến 40 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.</p> </blockquote> <div> </div> </div>