Chiều 29/3, các chuyên gia đàm phán của Nga và Ukraine đã bắt đầu vòng đàm phán hòa bình mới tại Thổ Nhĩ Kỳ để nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột hiện nay.
Đề xuất từ Kiev
Tại bàn đàm phán, phía Ukraine đã đề xuất áp dụng quy chế trung lập với một hệ thống đảm bảo an ninh mới. Theo đó, nước này sẽ không gia nhập các liên minh quân sự và không có căn cứ quân sự nước ngoài, nhưng yêu cầu các thành viên thường trực của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và các nước châu Âu là những người đảm bảo an ninh.
Đồng thời, Ukraine đề xuất "tạm thời gác lại" vấn đề Crimea trong vòng 15 năm.
Trưởng đoàn đàm phán của Ukraine - ông David Arakhamia cũng xác nhận phía Ukraine muốn thoả thuận đảm bảo an ninh cho nước này phải là một thoả thuận quốc tế mà các bên nhận trách nhiệm bảo đảm an ninh cho Ukraine sẽ ký vào.
Ông nói: “Chúng tôi muốn có một cơ chế quốc tế về bảo đảm an ninh cho nước mình, trong đó các nước đứng ra bảo lãnh an ninh sẽ hành động theo cách tương tự như Điều 5 của Hiệp ước Tổ chức Bắc Đại Tây Dương (NATO) và thậm chí còn chắc chắn hơn thế”.
Ngoài ra, Kiev cũng yêu cầu các nước bảo đảm an ninh giúp Ukraine gia nhập Liên minh châu Âu (EU) "càng sớm càng tốt".
Trước cuộc hội đàm, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky cho biết Ukraine đã chuẩn bị cho việc tuyên bố là một nước trung lập như Moscow yêu cầu, và sẵn sàng thỏa hiệp về khu vực phía đông đang tranh chấp của Donbass.
Nga có hai bước giảm leo thang
Trong cuộc đàm phán, Trưởng đoàn đàm phán của Nga Vladimir Medinsky cho biết, Moscow đã thực hiện hai bước giảm leo thang.
Thứ nhất là phía Nga đang đề xuất tổ chức một cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Vladimir Zelensky, đồng thời Bộ Ngoại giao hai bên sẽ thương thảo về việc ký hiệp ước hoà bình hoặc có thể ký hiệp ước này sớm hơn dự kiến.
Thứ hai là quân đội Nga sẽ cắt giảm đáng kể các hoạt động quân sự ở thủ đô Kiev và thành phố Chernihiv.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin cũng xác nhận rằng Moscow đã quyết định “cắt giảm về cơ bản các hoạt động quân sự ở hướng thủ đô Kiev và thành phố Chernihiv nhằm tăng cường sự tin tưởng trong các cuộc đàm phán cho mục đích xa hơn là chấm dứt giao tranh”.
Triển vọng chấm dứt xung đột
Trước đó, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba ngày 28/3 tuyên bố mục tiêu của nước này tại cuộc đàm phán với Nga sắp tới ở Thổ Nhĩ Kỳ là nhất trí một lệnh ngừng bắn.
Phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia, Ngoại trưởng Kuleba đã đưa ra tuyên bố trên và cho biết ngoài việc mong muốn đạt được một thỏa thuận ngừng bắn còn có vấn đề nhân đạo.
Trong khi đó, cùng ngày, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhấn mạnh vẫn có khả năng nước này và Ukraine đạt được một thỏa thuận tại các cuộc đàm phán sắp tới.
Ông khẳng định Nga mong muốn có một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng Moscow sẽ không chấp nhận bất kỳ sự trung gian nào của phương Tây trong các cuộc đàm phán với Kiev.
Ông nói: “Chúng tôi sẵn sàng tạo cơ hội cho hoạt động ngoại giao. Đó là lý do tại sao chúng tôi đồng ý với các cuộc đàm phán, đang được nối lại ở Istanbul”.
Ngoại trưởng Sergei Lavrov giải thích rằng Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia có quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine, đã nỗ lực rất nhiều để đưa hai bên vào bàn đàm phán.
Tuy nhiên, không cần thiết phải đưa Liên minh châu Âu (EU) hoặc Mỹ - những nước ủng hộ Kiev trong cuộc xung đột – vào tiến trình đàm phán hòa bình.
Cho đến nay, cuộc đàm phán Nga - Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ được đánh giá là mang tính xây dựng và đã có những kết quả ban đầu khi hai bên cùng có những bước đi nhằm giảm leo thang.
Phái đoàn Nga cho biết, cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Ukraine Zelensky có thể được diễn ra đồng thời khi một thỏa thuận hòa bình đã sẵn sàng được ký kết bởi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao hai nước.