Đắm chìm trong điệu múa Xoè Thái và không gian văn hoá Chăm
Nguyễn Hải
Chiều 11/2, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) diễn ra hoạt động Nghệ thuật Xòe Thái và giao lưu Xuân về trên đền tháp.
Nằm trong khuôn khổ chương trình Ngày hội "Sắc xuân trên mọi miền Tổ quốc" năm 2023, chiều 11/2, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ hoạt động biểu diễn Nghệ thuật Xòe Thái của tỉnh Sơn La và chương trình giao lưu Xuân về trên đền tháp, giới thiệu sắc màu văn hoá Chăm.
Chương trình biểu diễn giới thiệu Nghệ thuật xòe Thái được UNESCO ghi danh là di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại tại sân Làng Văn hóa dân tộc Thái.
Từ lâu, Nghệ thuật Xòe Thái đã đi vào văn học, thơ ca để lưu giữ nét văn hóa giàu sắc thái bản địa và vẻ đẹp độc đáo trong loại hình nghệ thuật múa. Nghệ thuật Xòe đã trở thành di sản, là biểu tượng của tình đoàn kết và sự kết tinh những kinh nghiệm sống, lối tư duy sáng tạo trong đời sống sinh hoạt thường ngày của đồng bào người Thái.
Nghệ thuật Xòe Thái còn là nơi khởi nguồn cho tình yêu đôi lứa, những đôi trai gái có thể tìm hiểu và gửi gắm tâm tình, trải lòng qua ánh mắt nụ cười, cùng nắm tay nhau để xòe.
Những tiết mục biểu diễn thu hút đông đảo du khách thưởng lãm.
Nghệ thuật Xòe Thái mang đậm tính dân tộc sâu sắc, khẳng định được bản sắc riêng có, không lẫn với dân tộc nào, đồng thời có tính lan tỏa rất lớn.
Tiếp theo là chương trình giao lưu Xuân về trên đền tháp, giới thiệu sắc màu văn hoá Chăm qua múa trên đền tháp.
Múa dâng hoa tháp cổ là điệu múa linh thiêng của đồng bào Chăm. Như tên gọi, vũ điệu dâng lễ chính là điệu múa thiêng hướng vọng về thần linh ở các ngôi đền tháp. Vũ nữ Chăm thường đội trên đầu cây nến, nước, hoa trái, trầu cau… để dâng mừng các vị thần. Cầu cho sức khỏe an lành.
Múa quạt cổ truyền của người Chăm là một hình thức múa dân gian có từ lâu đời. Dụng cụ chính là chiếc quạt: Múa quạt mang tiết tấu rộn ràng, vui tươi, sôi động. Với những động tác đầy biến hóa của đôi quạt theo cấu trúc luật động riêng biệt làm cho múa quạt trở nên độc đáo.
Người Chăm có nền âm nhạc phát triển từ rất sớm nó gắn liền với đời sống sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng trong cộng đồng. Nhạc cụ truyền thống của người Chăm được xem là thành tố quan trọng để tạo nên phần hồn của lễ hội. Nhạc cụ truyền thống của người Chăm bao gồm: Bộ gõ, bộ hơi, bộ dây như: trống Ginăng, kèn Saranai, trống Baranưng.
>>> Mời độc giả xem thêm video Sôi động 5 lễ hội đặc sắc trên thế giới trong tháng 1