Theo Báo cáo nhanh của Tổ công tác chỉ đạo sản xuất, kết nối cung ứng tiêu thụ nông sản tại các tỉnh, thành phố phía Nam trong điều kiện dịch COVID-19 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 21/7, tình hình sản xuất nông nghiệp của các địa phương ổn định; lượng hàng nông sản cung ứng cho tiêu dùng không thiếu vừa đảm bảo cung ứng trong tỉnh vừa cung cấp ra bên ngoài.
Theo Tổ công tác, nếu không có những biến động lớn, khả năng cung cấp lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu cho nhân dân trong vùng vẫn ổn định lâu dài. Trong thời gian tới, Tổ công tác sẽ có báo cáo thống kê số liệu cụ thể về tình hình sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm của các tỉnh vào Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, theo Tổ công tác, khi thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/ CT-TTg, chuỗi cung ứng nông sản, nguồn cây con giống, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp đang bị ách tắc do các trạm kiểm soát dịch COVID-19 kiểm soát chặt.
Đặc biệt, việc lưu thông hàng hóa gặp khó do lực lượng lái xe, bốc dỡ hàng hóa thiếu vì lo ngại dịch bệnh. Cùng đó, khó khăn trong việc đi lại và cần giấy xét nghiệm làm tăng chỉ phí, giá thành sản phẩm.
Về chợ truyền thống, chợ đầu mối, đây là đầu ra của hơn 70% lượng hàng hóa nông sản cung cấp cho Thành phố Hồ Chí Minh, nhưng hầu hết bị đóng cửa gây ảnh hưởng đến nguồn cung nông sản từ các tỉnh cho thành phố.
Tâm lý người dân lo ngại thiếu hàng hóa nên tích trữ, đặc biệt là trứng gia cầm gây thiếu hàng cục bộ và tăng giá.
Hiện, một số chợ truyền thống ở Thành phố Hồ Chí Minh đã mở lại, người dân cũng giảm tích trữ. Nhưng ba chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức, Hóc Môn chưa hoạt động trở lại nên việc cung cấp hàng hóa từ các địa phương về Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang gặp khó khăn.
Về vấn đề nhân lực cho sản xuất nông nghiệp, khi giãn cách xã hội, thiếu lao động gây ra, các địa phương đang tìm cách tháo gỡ, nhưng một số nơi vẫn còn thiếu cục bộ.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp, hiện có 13 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu phía Nam gồm Đồng Tháp 3 doanh nghiệp, Cần Thơ 2 doanh nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh 4 doanh nghiệp, Long An 2 doanh nghiệp, Vũng Tàu 2 doanh nghiệp đã có công nhân dương tính với COVID-19, đang tạm dừng sản xuất.
Ở các tỉnh thuộc phạm vi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, hiện có một số cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đã hết hạn hoặc sắp hết hạn Giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y…
Tuy nhiên, do áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg nên cơ quan chức năng chưa thể tổ chức thẩm định thực tế để cấp mới, cấp lại hoặc gia hạn theo quy định.
Để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh và đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối phục vụ nhu cầu của nhân dân, Tổ công tác kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tạm gia hạn các Giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y... thêm 3 tháng cho các cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản có giấy chứng nhận đã hết hạn hoặc sắp hết hạn, nhưng do áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg nên cơ quan chức năng chưa thể tổ chức cấp mới, cấp lại hoặc gia hạn.
Trong thời gian tới, Tổ công tác sẽ tiếp tục kết nối với các hợp tác xã, doanh nghiệp và các tổ chức cung ứng, phân phối nông sản để thiết lập lại các chuỗi cung ứng nông sản cho các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.
Tổ công tác cũng sẽ đẩy mạnh, củng cố các chuỗi cung ứng nông sản an toàn; kết nối doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng và các tổ chức vận chuyển hàng hóa nông sản.
Đặc biệt, phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng danh mục các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở cung ứng hàng hóa để đảm bảo nguồn cung cho các chuỗi phân phối.
Tổ công tác đề nghị các địa phương quan tâm về phòng chống dịch COVID-19 ở các cơ sở giết mổ, đóng gói; không để phát sinh dịch bệnh gây đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tổ công tác kiến nghị cũng Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đưa hàng hóa là giống cây trồng, vật nuôi, giống thủy sản và vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất nông nghiệp vào danh mục hàng hóa thiết yếu.
Bởi, hiện nay một số tỉnh phản ánh việc vận chuyên cây con giống, vật tư đầu vào gặp khó khăn gây bất ổn trong việc duy trì sản xuất đảm bảo sản lượng nông sản cung cấp cho thị trường ổn định lâu dài.
Mặt khác, cho một số chợ đầu mối đủ điều kiện hoạt động trở lại để tránh đứt gay chuỗi cung ứng hàng hóa giữa các tỉnh và Thành phố Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, Tổ công tác kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung chợ đầu mối vào diện các cơ sở kinh doanh hàng hóa dịch vụ cần thiết vận được phép hoạt động trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.
Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Công Thương và Bộ Y tế sớm có cơ chế mở lại các chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn để đảm bảo chuỗi cung ứng nông sản, thực phẩm thiết yếu cho thành phố và các tỉnh phía Nam.
Trong những ngày tới, Tổ công tác sẽ họp trực tuyến với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các địa phương có thế mạnh theo nhóm hàng hóa để hình thành các chuỗi cung ứng hàng hóa nông sản.
Cập nhật đến hết ngày 20/7, Tổ công tác đã có danh sách 78 đơn vị cung ứng nông sản; trong đó, rau và củ 24 đơn vị; trái cây 38; thủy sản tươi sống và đông lạnh 13 đơn vị và lương thực 3 đơn vị đã đăng ký tham gia cung cấp hàng nông sản về Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam./.