Đảm bảo an toàn thực phẩm mùa bão lũ

(khoahocdoisong.vn) - Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị Sở Y tế, Ban Quản lý An toàn thực phẩm chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức triển khai một số biện pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm mùa bão lũ năm 2021 như sau:

Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị Sở Y tế, Ban Quản lý An toàn thực phẩm chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tổ chức triển khai một số biện pháp để đảm bảo an toàn thực phẩm mùa bão lũ năm 2021 như sau:

1. Triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm trong điều kiện nắng nóng:

- Tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong việc lựa chọn, sơ chế, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; thực hiện ăn chín, uống chín, uống đủ nước; chú ý dự trữ, đảm bảo nguồn nước sạch để ăn uống, chế biến thực phẩm.

- Phổ biến các quy định bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và kinh doanh thức ăn đường phố tại các trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khu chế xuất… Yêu cầu các cơ sở tuyệt đối không sử dụng các nguyên liệu thực phẩm, sản phẩm thực phẩm đã bị ôi thiu, hỏng, mốc, có màu sắc khác thường, không rõ nguồn gốc, quá hạn sử dụng để chế biến, kinh doanh.

dam-bao-an-toan-thuc-pham-mua-bao-lu.jpg
Đảm bảo an toàn thực phẩm mùa bão lũ.

2. Triển khai các hoạt động dự phòng và đảm bảo an toàn thực phẩm trước, trong và sau khi xảy ra bão, lũ:

a) Trước khi xảy ra bão, lũ:

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn người tiêu dùng (đặc biệt là các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lũ cao) trong việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, có kế hoạch chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, các hoá chất sát khuẩn của ngành y tế.

b) Trong khi bão, lũ xảy ra:

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thuỷ sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.

- Thực hiện ăn chín, uống chín.

- Đối với những vùng không đủ nước sạch có thể sử dụng các loại hóa chất sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng của trung ương và địa phương kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm các loại lương thực, thực phẩm, nước uống do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ đồng bào vùng lũ lụt nhằm đảm bảo không để các sản phẩm bị hỏng, mốc, dập vỡ, hết hạn sử dụng… đến tay người dân.

c) Sau khi bão, lũ rút:

- Chủ động hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, tu sửa, tổng vệ sinh nguồn nước dùng cho ăn uống và các công trình công cộng.

- Triển khai biện pháp kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh phù hợp để đảm bảo không xảy ra tình trạng thực phẩm không đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường.

3. Chỉ đạo, hướng dẫn và phối hợp với các cơ sở y tế dự phòng, các cơ sở điều trị và các đơn vị liên quan tăng cường công tác giám sát ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng.

4. Chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hóa chất, phương tiện, nhân lực, phương án sẵn sang phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục khi có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng.

Đề nghị các đơn vị chủ động triển khai, trong quá trình triển khai chú ý tuân thủ các hướng dẫn, biện pháp phòng chống dịch Covid-19 của ngành Y tế phù hợp với tình hình tại địa phương.

Theo Đời sống
back to top