2 trẻ bị bệnh cách ly 550 nhân khẩu
BS Hà Văn Hùng, phó giám đốc Sở Y tế Đắk Nông cho biết, hiện Sở vẫn đang thực hiện cách ly 1 khu vực tại đội 2, thôn 6, xã Quảng Hòa (huyện Đắk Glong, Đắk Nông) vì có 2 ca nhiễm bệnh bạch hầu, trong đó có 1 ca tử vong…
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông, ngày 19/6 cháu Sùng Thị H.(9 tuổi, trú thôn 6, xã Quảng Hòa) được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông trong tình trạng ho, đau họng, khó thở…Bệnh nhi sau đó tiếp tục chuyển biến nặng và được chuyển viện đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM. Đến sáng 20/6, cháu H. tử vong do bạch hầu ác tính biến chứng tim.
Bệnh nhân thứ 2 là Ma Văn T., 9 tuổi, là hàng xóm và có tiếp xúc thường xuyên với cháu H. Cháu T. đang được cấp cứu tích cực.
Sau khi xuất hiện 2 ca bạch hầu, Sở Y tế Đắk Nông đã thực hiện khử khuẩn 100% các hộ gia đình tại đội 2, tại Trường tiểu học Bế Văn Đàn và trạm y tế xã. Tiến hành điều trị dự phòng bằng kháng sinh và tiếp nhận, chuẩn bị tiêm văcxin phòng chống dịch cho nhóm đối tượng từ 7 tuổi tới dưới 40 tuổi. Đồng thời lập 2 đội chốt chặn, cách ly toàn bộ các hộ gia đình tại khu vực ổ dịch.
Theo ông Hùng, đây là ổ dịch bệnh bạch hầu đầu tiên ghi nhận ở xã Quảng Hòa từ năm 2004 đến nay và là ổ dịch thứ 2 tại tỉnh Đắk Nông trong năm 2020. Trước đó, ngày 14/6, cơ quan chức năng phát hiện 4 trường hợp nhiễm bạch hầu tại xã Đắk Sôr, huyện Krông Nô (Đắk Nông) và ổ dịch này cũng đã được ngăn chặn sau đó.
Phun thuốc khử trùng trường học |
Dễ tử vong trong vòng 6 – 8 ngày
Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheria) gây ra.
Bệnh bạch hầu có biểu hiện, viêm họng, mũi, thanh quản. Họng đỏ, nuốt đau. Da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ. Khám thấy có giả mạc, giả mạc giả mạc bạch hầu dễ nhầm với giả mạc mủ. Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc xám, dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu.
Bạch hầu thanh quản là thể bệnh nặng ở trẻ em. Biểu hiện lâm sàng bị nhiễm ngoại độc tố bạch hầu tại chỗ là giả mạc và biểu hiện toàn thân là nhiễm độc thần kinh, làm tê liệt thần kinh sọ não, thần kinh vận động ngoại biên, thần kinh cảm giác và viêm cơ tim. Tỷ lệ tử vong khoảng 5% - 10%.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện Trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư cho biết, bệnh bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp hoặc qua da tổn thương…
Độc tố bạch hầu có thể gây biến chứng nghiêm trọng: Viêm cơ tim, tổn thương hệ thần kinh dẫn truyền cơ tim, tử vong do đột ngột trụy tim mạch. Một số bệnh nhân bị viêm cơ tim và van tim, sau nhiều năm gây ra bệnh tim mãn và suy tim; Thoái hóa thận, hoại tử ống thận, chảy máu lớp tủy và vỏ thượng thận; Tắc nghẽn đường hô hấp và gây tử vong trong vòng 6-10 ngày.
Biến chứng viêm dây thần kinh thường ảnh hưởng đến dây thần kinh vận động và thường hồi phục hoàn toàn. Liệt màn khẩu cái (màn hầu) thường xuất hiện vào tuần thứ ba của bệnh. Liệt các dây thần kinh vận nhãn, cơ chi và liệt cơ hoành có thể xảy ra vào tuần thứ năm của bệnh. Viêm phổi và suy hô hấp có thể xuất hiện do hậu quả của liệt cơ hoành.
Các biến chứng khác có thể xảy ra như viêm kết mạc mắt hoặc suy hô hấp do tắc nghẽn đường hô hấp có thể xảy ra ở trẻ em, đặc biệt là nhũ nhi.
Các chuyên gia cho biết, cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm đủ 3 mũi văcxin bạch hầu - ho gà - uốn ván (DPT) hoặc văcxin DPT-VGB-Hib cho trẻ dưới 1 tuổi. Tiêm nhắc lại DPT cho trẻ từ 18 tháng. Khi bị bệnh cần cách ly ít nhất 2 ngày sau điều trị kháng sinh thích hợp, vệ sinh phòng ở, đồ dùng cá nhân, đồ chơi… bằng dung dịch sát khuẩn và đeo khẩu trang.