Các quan chức Đài Loan cho biết, một khoản ngân sách đặc biệt được đề xuất để mua một số loại tên lửa - bao gồm tên lửa hành trình Wan Chien (Ten Thousand Swords), tên lửa chống tên lửa đạn đạo tầm ngắn Tien Chien (Sky Sword) và tầm trung Hsiung Feng (Brave Wind) - đã được nội các Đài Bắc phê duyệt ngày 17/9.
Khoản ngân sách này cũng sẽ được chi trả cho việc trang bị cho các chiến hạm và tàu tuần duyên vũ khí chống hạm và phòng không, các phương tiện bay không người lái (UAV).
Ngân sách đặc biệt bổ sung cho ngân sách quốc phòng thường niên trị giá 471,7 tỷ Đài tệ cho năm 2022 cần được cơ quan lập pháp, nơi các quan chức chính phủ chiếm đa số, thông qua.
Sau cuộc họp nội các, Thủ tướng Đài Loan Tô Trịnh Xương (Su Tseng-chang) cho biết gia tăng chi phí quân sự là một phần trong “nỗ lực bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia cũng như sự an toàn của người dân”, khi Bắc Kinh tiếp tục gia tăng sức ép đối với Đài Loan bằng cách đưa máy bay chiến đấu và chiến hạm diễn tập thường xuyên sát đảo.
Các quan chức Bộ Quốc phòng nói, chính phủ sẽ sử dụng một số quỹ để mua tên lửa từ Viện Khoa học và Công nghệ Quốc gia Chungshan, nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Đài Loan, đồng thời tăng cường khả năng sản xuất tên lửa của đảo.
Viện Chungshan đã thử nghiệm những tên lửa tầm xa mới ngoài khơi bờ biển phía nam và phía đông Đài Loan, các chuyên gia quân sự cho rằng, những tên lửa hành trình này có khả năng bắn trúng các mục tiêu sâu trong lục địa Trung Quốc.
Theo Tsai Shih-ying, nhà lập pháp thuộc đảng DPP cầm quyền, thành viên Ủy ban các vấn đề quốc phòng, một số khoản kinh phí bổ sung sẽ được sử dụng để đóng thêm 10 hộ tống hạm tàng hình mang tên lửa Tả Giang sau khi Hải quân đưa vào biên chế khai thác sử dụng chiếc đầu tiên vào tuần trước.
Ông cho biết, những chiến hạm do Công ty Đóng tàu Lung Teh sản xuất, sẽ được bàn giao cho Hải quân bắt đầu vào năm 2027.
Hộ tống hạm đa nhiệm tàng hình Ta Jiang, được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay" do có khả năng tấn công những chiến hạm có lượng giãn nước lớn hơn, được thiết kế như một vũ khí tiến công nhanh chủ lực trong chiến lược chiến tranh phi đối xứng của Đài Loan nhằm chống lại lực lượng quân sự lớn hơn gấp nhiều lần của Trung Quốc.
Trung Quốc luôn xác định Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, và tuyên bố sẽ sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan trở lại quyền kiểm soát, ưu tiên bằng các giải pháp hòa bình.
Nhưng Bắc Kinh đang gia tăng áp lực lên Đài Bắc kể từ khi tổng thống Thái Anh Văn trúng cử năm 2016 và từ chối chấp nhận nguyên tắc một Trung Quốc.