Những đợt giao hàng này nâng phi đội F-16 hiện đại hóa lên 64 chiếc, cùng với hai chiếc khác do Lockheed Martin (hợp tác với công nghiệp quốc phòng Đài Loan) nâng cấp, trong khuôn khổ chương trình này.
Những nâng cấp bao gồm tích hợp động cơ và điện tử hàng không, thiết bị hạ cánh mới, cho phép tăng tải trọng nhiên liệu và nhiều vũ khí hơn cho máy bay.
Ngày 18/11, trong một buổi lễ tại Căn cứ Không quân Gia Nghĩa tây nam Đài Loan với sự tham dự của Tổng thống Thái Anh Văn, không đoàn máy bay tiêm kích chiến thuật số 4 thường trú tại đây được tuyên bố hoàn toàn sẵn sàng chiến đấu.
Không quân Đài Loan là lực lượng không quân đầu tiên trên thế giới có F-16V trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Phi đội F-16V nâng cấp đầu tiên của hòn đảo này đã đi vào hoạt động.
Tổng thống Thái Anh Văn tuyên bố: “Những máy bay này tượng trưng cho sự hợp tác chặt chẽ của chúng tôi với Mỹ, được trang bị công nghệ tiên tiến sẽ tăng cường sức mạnh cho nền quốc phòng Đài Loan”.
Máy bay F-16V Đài Loan
Đài Loan là một trong số rất ít quốc gia đang có các máy bay F-16A / B Block 20 cũ kỹ, dự kiến sẽ nhận các máy bay chiến đấu F-16C / D Block 70 mới sau khi đặt hàng 66 máy bay năm 2019 với giá hơn 8,1 tỷ USD.
141 chiếc F-16V dự kiến sẽ được chuyển giao vào năm 2023, cung cấp cho hòn đảo 207 chiếc F-16 với khả năng "thế hệ 4+" cùng với các F-16 C/D Block 70 mới.
Đài Loan trở thành nhà khai thác F-16 nước ngoài lớn nhất, trong khi các quốc gia khác đang dần loại biên các F-16 cũ.
Máy bay F-16 nâng cấp tiếp theo sẽ được chuyển giao cho không đoàn máy bay chiến đấu số 5 tại Căn cứ Không quân Hoa Liên, trên bờ biển phía đông bắc, gần với lục địa Trung Quốc.
Cải tiến đáng chú ý nhất đối với F-16 là tích hợp radar Northrop Grumman AN/APG-83 Scalable Agile Beam Radar.
Nhưng ngay cả với những cải tiến này, khung máy bay F-16 hiện đại hóa vẫn là thiết kế của những năm 1970 và là máy bay chiến đấu lâu đời nhất vẫn đang sản xuất trên toàn thế giới, ngoài F-15.
Tổng thống Thái Anh Văn trên F-16V
Khả năng tác chiến của F-16 Đài Loan trong trường hợp diễn ra xung đột với Trung Quốc vẫn còn rất nhiều nghi vấn, đặc biệt khi máy bay không có khả năng tàng hình và các căn cứ không quân nằm gần đại lục.
Yêu cầu của Đài Loan mua F-35B đã bị Mỹ từ chối với lý do bí mật công nghệ có thể bị xâm phạm.
Việc cung cấp vũ khí trang bị mới cho Đài Loan đã gây nhiều tranh cãi kể từ những năm 1970, khi chính quyền Đài Bắc chính thức là một tổ chức phi nhà nước, vì không được Liên Hợp Quốc hay bất kỳ quốc gia thành viên nào của Liên Hợp Quốc công nhận.
Mỹ và tất cả các quốc gia khác trên thế giới công khai coi hòn đảo là một phần của Trung Quốc.