Các nhà quan sát quân sự cho biết, những vũ khí này sẽ do công nghiệp Đài Loan phát triển và sản xuất, trong đó có những tên lửa có khả năng tấn công các vùng ven biển và vào sâu trong nội địa Trung Quốc.
Cơ quan lập pháp của hòn đảo đã phê duyệt kế hoạch chi tiêu 5 năm trị giá 237 tỷ Đài tệ ngày 11/1 như một ngân sách quân sự đặc biệt cần được huy động thông qua vay nợ của chính phủ, theo thông cáo báo chí do cơ quan lập pháp công bố.
Khoản chi này đứng đầu trong ngân sách quốc phòng kỷ lục 471,7 tỷ Đài tệ cho năm 2022.
Theo báo cáo về ngân sách của Bộ Quốc phòng, các quỹ đặc biệt sẽ được thành lập để sản xuất hàng loạt tên lửa độ chính xác cao và tên lửa tầm xa, các chiến hạm hải quân để tăng cường khả năng phòng thủ trên biển và trên không của đảo.
Trong cuộc điều trần tại Thượng viện Mỹ hồi tháng 3/2021, tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của quân đội Mỹ, Đô đốc Phil Davidson, cảnh báo PLA có thể tấn công Đài Loan trong vòng 6 năm tới.
Đài Loan cũng đã được Tạp chí The Economist của Anh gọi là nơi nguy hiểm nhất trên trái đất vì sự mất kiên nhẫn ngày càng tăng của Bắc Kinh đối với triển vọng thống nhất hai bờ eo biển.
Tạp chí cảnh báo, nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc cho rằng thống nhất hòa bình là không thể, Bắc Kinh sẽ tiến hành cuộc tấn công đánh chiếm Đài Loan.
Tháng 10/2021, Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Chiu Kuo-cheng thừa nhận rằng PLA có thể tiến hành tiến công toàn diện vào hòn đảo này năm 2025. Bắc Kinh coi Đài Loan là một tỉnh ly khai, cần phải đưa trở lại đại lục bằng vũ lực nếu cần thiết.
Theo khoản ngân sách đặc biệt này, quân đội sẽ chi 79,7 tỷ Đài tệ mua các hệ thống tên lửa chống hạm bờ biển, 34,7 tỷ Đài tệ cho các hệ thống phòng không mặt đất, 17 tỷ Đài tệ cho dự án tên lửa đất đối đất Hsiung Sheng, 12,6 tỷ Đài tệ cho tên lửa hành trình không đối đất Wan Chien, và 8,9 tỷ Đài tệ cho hệ thống tên lửa phòng không chiến trường.
Các hệ thống tên lửa chống hạm bao gồm tên lửa siêu âm Hsiung Feng 3 và phiên bản tầm bắn mở rộng, các hệ thống phòng không bao gồm hệ thống phòng không Tien Kung 3 và các hệ thống phòng không tầm trung chiến trường, radar dẫn đạn phòng không Tiên Chiến 2.
Bộ Quốc phòng Đài Loan cũng dành 12 tỷ Đài tệ cho dự án máy bay không người lái (UAV) tấn công, 69,2 tỷ Đài tệ cho dự án tàu công năng cao và 3,2 tỷ Đài tệ phát triển hệ thống vũ khí chiến trường cho lực lượng tuần duyên của hòn, theo bảng phân chia ngân sách do Tổng cục Ngân sách, Kế toán và Thống kê liệt kê.
Phần lớn kinh phí cho dự án đóng tàu hải quân công năng cao sẽ được sử dụng để mua thêm 10 tàu hộ tống mang tên lửa tàng hình Tả Giang.
Hải quân đã đưa vào biên chế hộ tống hạm lớp Tả Giang đầu tiên vào tháng 9/2021 do tập đoàn Lung Teh Shipbuilding chế tạo. Chiến hạm lớp Tả Giang được mệnh danh là "sát thủ tàu sân bay”, được phát triển để tấn công các tàu chiến lớn hơn như tàu sân bay Trung Quốc.
Đây là lớp chiến hạm chủ lực trong chiến lược tác chiến phi đối xứng của hòn đảo nhằm chống lại lực lượng Hải quân lớn của PLA.
Su Tzu-yun, nhà phân tích cấp cao của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Đài Loan cho biết: “Những hệ thống vũ khí này không chỉ có tính cơ động cao mà còn có uy lực mạnh, tạo thành lực lượng răn đe PLA.
Một số tên lửa, bao gồm cả Hsiung Sheng, có khả năng tấn công các vùng ven biển và nội địa của Trung Quốc.
Tên lửa đất đối đất Hsiung Sheng có tầm bắn 1.200 km (745 dặm), có thể tấn công các thành phố Nam Kinh và Vũ Hán, tên lửa Wan Chien, có tầm bắn khoảng 240 km, được thiết kế để tấn công chế áp các sân bay, quân cảng, các trận địa phóng tên lửa và các đài radar của Trung Quốc.
Chieh Chung, nhà nghiên cứu an ninh quốc gia tại National Policy Foundation, một tổ chức tư tưởng của Quốc Dân Đảng cho biết chiến hạm Tả Giang được trang bị tên lửa chống hạm Hsiung Feng 2 và 3, hệ thống tên lửa phòng không Hai Chien 2 do Viện Khoa học và Công nghệ quốc gia Chung-Shan, cơ quan chế tạo vũ khí hàng đầu của đảo.