Đại học Hòa Bình: Lập lờ tuyển sinh, sinh viên học 3 năm thì... bị đuổi

Hàng chục sinh viên của Đại học Hòa Bình đã làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng do bị hủy kết quả học tập sau 3 năm theo học hệ đại học liên thông ngành Dược tại Đại học Hòa Bình. Thậm chí nhiều sinh viên... đã bị đuổi học vô lý

Trường Đại học Hòa Bình (ảnh minh họa)

Để hiểu rõ thêm vấn đề này phóng viên đã gặp gỡ các sinh viên của lớp 518-DH003 - Khoa Dược và đại diện Trường Đại học Hòa Bình. 

Sinh viên: Chúng tôi học liên thông

Năm 2018, Đại học Hòa Bình liên kết với Trung tâm Y Dược Hoàng Mai và Công ty TNHH Edupharm Quốc tế tuyển sinh lớp đại học ngành Dược. Đây là lớp dành cho các sinh viên đã tốt nghiệp, có bằng trung cấp hoặc cao đẳng ngành dược được tuyển sinh và tiếp tục đào tạo lên trình độ đại học.

Trao đổi với phóng viên, anh Nguyễn Đức Linh, sinh viên lớp 518-DH003 cho biết, tới giờ này anh vẫn không thể tin rằng việc bị trường hủy kết quả học tập một cách vô lý sau 3 năm theo học là sự thật.

Theo Linh, năm 2018, thông qua một website tuyển sinh trên mạng và cũng thông qua bạn bè giới thiệu anh có gặp bà Hoàng Thị Ngọc (sinh năm 1986 là vợ của ông Nguyễn Văn Nhân là Quản lý Trung tâm đào tạo Y - Dược Hoàng Mai), đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH Edupharm Quốc tế có trụ sở tại Nhà số 01, ngõ 22/169, đường Khuyến Lương, phường Trần Phú, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Ông Nhân và bà Ngọc cho biết, Công ty TNHH Edupharm Quốc tế là đơn vị liên kết với Trường Đại học Hòa Bình và được giao nhiệm vụ phối hợp tuyển sinh chương trình đại học liên thông chuyên ngành Dược năm 2018 tại trường.

Sau khi nghe ông Nhân và bà Ngọc giới thiệu và trực tiếp xem thông báo tuyển sinh của Trường Đại học Hòa Bình do ông Tô Ngọc Hưng - Hiệu trưởng Trường Đại Học Hòa Bình ký và đóng dấu, anh Linh, cũng như rất nhiều người khác đã tin tưởng và nộp hồ sơ thi tuyển vào chương trình Đại học liên thông chuyên ngành Dược của trường Đại học Hòa Bình.

Sau khi nộp hồ sơ và thi tuyển theo quy định, Trường Đại học Hòa Bình đã thông báo tổ chức lớp học 518-DH003 cho sinh viên. Trường đã cấp giấy chứng nhận trúng tuyển và cấp thẻ sinh viên cho các sinh viên, tiến hành đào tạo tại nhiều nơi khác nhau (không phải tại Đại học Hòa Bình) cho gần 100 sinh viên.

Các sinh viên đã học kể từ thời điểm trúng tuyển và đóng học phí theo đúng thông báo của trường. Cho đến khi nhận được thông báo của Đại học Hòa Bình về việc sinh viên lớp 518-DH003 là sinh viên hệ chính quy chứ không phải liên thông.

Đại học Hòa Bình: Chúng tôi tuyển sinh hệ chính quy

Phản ánh tới phóng viên, anh Nguyễn Anh Tuấn, sinh viên lớp 518-DH003 cho biết: Trường Đại học Hòa Bình đề nghị sinh viên nộp lại toàn bộ hồ sơ giấy tờ theo yêu cầu để tuyển sinh lại, những người đạt yêu cầu sẽ phải học lại từ đầu theo hệ chính quy với thời gian là 5 năm. Lý do là Trường Đại học Hòa Bình không tuyển sinh hệ liên thông cho chuyên ngành Dược khoa.

Ngoài ra, có hơn 30 sinh viên không đủ điều kiện nhập học tại Trường Đại học Hòa Bình và bị loại khỏi danh sách sinh viên. Đồng nghĩa với việc nhà trường hủy toàn bố kết quả học tập của các sinh viên này trong suốt hơn 3 năm theo học.

Phóng viên đã liên hệ với PGS.TS Tô Ngọc Hưng, Hiệu trưởng Trường Đại học Hòa Bình để tìm hiểu thông tin. Tuy nhiên, ông Hưng đã từ chối với lý do bận họp và ủy quyền cho ThS Dương Văn Bá, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông của trường làm việc với phóng viên.

Theo ông Dương Văn Bá: “Các sinh viên thuộc lớp 518-DH003 đúng là do nhà trường tuyển sinh và đào tạo theo hình thức chính quy, tập trung. Do năm 2018 Trường không được phép đào tạo liên thông và cũng không có chỉ tiêu tuyển sinh hệ liên thông”.

ac0b0fab5cb193efcaa0.jpg
Sinh viên lớp 518- DH003 được đào tạo tại TT GDTX tỉnh Quảng Ninh, mặc dù Đại học Hòa Bình khẳng định lớp học này là sinh viên hệ chính quy của trường. (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Ông Bá cho rằng, toàn bộ những thông tin về đào tạo liên thông đều do phía Trung tâm đào Y – Dược Hoàng Mai (đơn vị liên kết với Đại học Hòa Bình) đưa ra và phía nhà trường "không hề hay biết".

Còn theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2018, chỉ tiêu tuyển sinh hệ chính quy ngành Dược của Đại học Hòa Bình là 50 sinh viên. Nếu theo lý giải của ông Bá, thì cũng có nghĩa trường đã tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu Bộ GD&ĐT cho phép hàng trăm sinh viên.

Câu hỏi đặt ra là, Đại học Hòa Bình sẽ làm như thế nào để toàn bộ số sinh viên này có thể ra trường và được Bộ GD&ĐT công nhận?

Lý giải vấn đề này ông Bá cho biết, việc tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu “là lỗi sai từ phía nhà trường và phía nhà trường đã làm việc với Thanh tra của Bộ về vấn đề này”.

Về việc hơn 30 sinh viên sau khi theo học suốt 3 năm nhưng không được công nhận và bị đuổi học dù không vi phạm quy chế hay kỷ luật, ông Bá cho biết: “Các sinh viên này do nộp hồ sơ muộn, nên Trường không biết các bạn không đủ điều kiện nhập học theo quy định… sau khi hậu kiểm mới phát hiện. Hiện Trường chỉ công nhận cho các sinh viên này đã từng theo học tại Đại học Hòa Bình chứ không công nhận là sinh viên của trường”.

Trong khi đó, tại thời điểm năm 2018, thực tế Đại học Hòa Bình đã cấp giấy báo trúng tuyển, thẻ sinh viên, tổ chức cho sinh viên học và thu học phí một cách bình thường. Tức là, trường đã thẩm tra kỹ điều kiện trúng tuyển của sinh viên.

Kiểu trả lời này của nhà trường đã khiến nhiều sinh viên phẫn nộ, khi công sức, tiền bạc theo học 3 năm của họ đã đổ sông, đổ bể, trong khi cả trường Đại học Hòa Bình và Trung tâm đào tạo Y - Dược Hoàng Mai đều rũ bỏ trách nhiệm. Các sinh viên này đều không biết rằng con đường học tập của họ rồi sẽ đi về đâu?

Đến thời điểm hiện tại, theo ghi nhận của phóng viên, phía trường Đại học Hòa Bình vẫn chưa đưa ra phương án giải quyết cho hơn 30 sinh viên này.

Như vậy, hơn 30 sinh viên bị đuổi học này không những có nguy cơ mất toàn bộ số học phí tương đương với số tiền gần 2 tỷ đồng đã nộp cho Trường Đại học Hòa Bình mà còn dang dở việc học hành suốt 3 năm qua.

Sinh viên lớp 518-DH003 do Trường Đại học Hòa Bình liên kết với Trung tâm đào tạo Y – Dược Hoàng Mai tuyển sinh và đào tạo liệu có đúng quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho tương lai của hàng chục sinh viên khi họ bị hủy kết quả học tập, thậm chí bị đuổi học mà lỗi không phải do họ?

Còn những uẩn khúc gì xoay quanh việc liên kết tuyển sinh của Trường Đại học Hòa Bình với Trung tâm Đào tạo Y – Dược Hoàng Mai và Công ty TNHH Edupharm Quốc tế, Khoa học và Đời sống sẽ tiếp tục bám sát sự việc để thông tin tới bạn đọc.

Theo Đời sống
back to top