<div> <p>Sáng 4/11, Quốc hội tiếp tục phiên thảo luận trên hội trường về tình hình kinh tế - xã hội. Vấn đề sai sót trong bộ sách giáo khoa (SGK) lớp 1 làm nóng phiên thảo luận.</p> <p>Phần tranh luận sáng nay bắt nguồn từ phát biểu của đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) chiều hôm trước về vấn đề này.</p> <h3>“Tôi không bênh Bộ GD&ĐT, nhưng chuyển điều tra là quá mức”</h3> <p>Nữ đại biểu Đặng Thị Phương Thảo trong phiên thảo luận chiều 3/11 cho rằng cần phải xem lại bất cập nổi lên trong sử dụng SGK lớp 1, điển hình là một số bộ sách có ngôn ngữ thiếu trong sáng, thiếu logic gây dư luận không tốt.</p> <p>Bà đề xuất làm rõ sai sót và trách nhiệm xử lý, khắc phục hậu quả thuộc về ai, và đề nghị tạm dừng lưu thành các bộ SGK lớp 1 trên thị trường để thẩm định.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="de nghi dieu tra sai sot trong SGK lop 1 anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/11/04/znews-photo-zadn-vn_dang_thi_phuong_thao_nam_dinh.jpg" title="đề nghị điều tra sai sót trong SGK lớp 1 ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định). Ảnh: <em>Quochoi.vn.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Đồng thời, đề nghị cơ quan điều tra vào cuộc, truy cứu trách nhiệm đối với các hành vi in ấn trái phép, làm giả SGK, sách tham khảo để đảm bảo công bằng về quyền tác giả, về quyền xuất bản của từng bộ sách.</p> <p>Tranh luận lại, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng biên soạn SGK là vấn đề lớn, không thể tránh khỏi thiếu sót.</p> <p>Và theo ông, sai sót đó không tới mức nghiêm trọng phải chuyển cơ quan điều tra hoặc hình sự hóa sự việc. “Phải hết sức cẩn trọng, nếu không có thể gây tâm lý hoài nghi, hoang mang, không tốt cho nền giáo dục”, ông nói.</p> <p>Để đại biểu Phương hiểu rõ hơn phát biểu của mình, nữ đại biểu Đặng Thị Phương Thảo giải thích với sai phạm phải chuyển cơ quan điều tra, bà đề nghị đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy cứu các hành vi in ấn trái phép làm giả SGK, sách tham khảo để đảm bảo quyền tác giả, quyền xuất bản.</p> <p>Còn về sai sót trong SGK và đề xuất cơ quan điều tra vào cuộc để xác minh, nữ đại biểu cho rằng "điều tra xác minh sai phạm cũng có thể trả lại sự trong sạch của cá nhân, tổ chức”. Theo bà, không ai đủ căn cứ khẳng định sai sót trong SGK là nghiêm trọng hay không đáng kể, chỉ có cơ quan có thẩm quyền mới kết luận được.</p> <p>“Tôi phát ngôn và chịu trách nhiệm trước cử tri. Vì ý kiến từ thực tế nên không có chuyện cử tri hoài nghi, hoang mang trước ý kiến của tôi”, bà Thảo lập luận.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="de nghi dieu tra sai sot trong SGK lop 1 anh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2020/11/04/znews-photo-zadn-vn_bui_van_phuong_ninh_binh.jpg" title="đề nghị điều tra sai sót trong SGK lớp 1 ảnh 2" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình). Ảnh: <em>Quochoi.vn.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Tiếp tục giơ biển xin tranh luận, đại biểu Bùi Văn Phương chia sẻ đã có 10 năm làm đại biểu Quốc hội chuyên trách, chứng kiến nhiều cuộc tranh luận ở Quốc hội và nhận định đó là việc bình thường để đi đến thống nhất.</p> <p>Ông bảo lưu quan điểm SGK Tiếng Việt lớp 1 có sạn, có lỗi nhưng không đến mức nghiêm trọng. “Tôi nói không phải bênh Bộ Giáo dục, đó là lời nói khách quan”, ông Phương nói và khẳng định đề xuất chuyển cơ quan điều tra việc biên soạn, thẩm định SGK là hơi quá mức.</p> <h3>Không thể dừng lại ở “rút kinh nghiệm”</h3> <p>Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng không phải tự nhiên dư luận bức xúc khi nhắc về các bộ SGK lớp 1.</p> <p>Với việc cả 5 bộ sách đều dính các lỗi cơ bản về nguyên tắc biên soạn, về bản quyền, về ngữ liệu, nữ đại biểu khẳng định việc này cho thấy quy trình thẩm định, phát hành sách lỏng lẻo, dễ dãi, vội vàng.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="de nghi dieu tra sai sot trong SGK lop 1 anh 3" src="https://khds.1cdn.vn/2020/11/04/znews-photo-zadn-vn_nguyen_thi_minh_hien_phu_yen.jpg" title="đề nghị điều tra sai sót trong SGK lớp 1 ảnh 3" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) mong <span>Chính phủ</span> làm rõ trách nhiệm trong sự cố về SGK lớp 1. Ảnh: <em>Quochoi.vn.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Nữ đại biểu đề nghị các cơ quan có trách nhiệm dũng cảm nhìn thẳng sự thật, cho dừng sử dụng những bộ SGK chất lượng thấp. Cần thiết thì nên lùi thời gian triển khai chương trình giáo dục mới để hoàn thiện chặt chẽ.</p> <p>Bà cũng mong Chính phủ làm rõ trách nhiệm trong sự cố về SGK lớp 1. “Lỗi sai về trách nhiệm cần phải được giải quyết, xử lý thật nghiêm minh, không thể dừng lại ở việc rút kinh nghiệm và càng không nên trấn an dư luận bằng sợi dây kinh nghiệm”, bà Hiền nêu quan điểm.</p> <p>Cũng dùng quyền tranh luận, đại biểu Ngô Thị Minh (Thứ trưởng Bộ GD&ĐT) cho rằng đổi mới SGK, chương trình phổ thông là việc lớn và rất khó.</p> <p>Chia sẻ với lo lắng của đại biểu Phương Thảo và Minh Hiền, song bà Minh nói những hạn chế, “sạn” trong SGK là điều không tránh khỏi.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="de nghi dieu tra sai sot trong SGK lop 1 anh 4" src="https://khds.1cdn.vn/2020/11/04/znews-photo-zadn-vn_ngo_thi_minh_quang_ninh.jpg" title="đề nghị điều tra sai sót trong SGK lớp 1 ảnh 4" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Đại biểu Ngô Thị Minh (Thứ trưởng Bộ GD&ĐT). Ảnh: <em>Quochoi.vn.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Tương tự, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) tranh luận với tâm thế của người từng làm trong ngành giáo dục. Theo ông, đây là lần đầu tiên thực hiện đổi mới nên không tránh khỏi những sai sót.</p> <p>“Góp ý là tốt, nhưng đừng đẩy vấn đề đến mức độ khiến người dân thiếu niềm tin vào giáo dục”, ông Phương nói.</p> <h3>Đưa bản thảo SGK để góp ý trước khi phê duyệt</h3> <p>Được người điều hành phiên họp mời phát biểu về vấn đề này, Phó thủ tướng <span>Vũ Đức Đam</span> nhấn mạnh Chính phủ, Thủ tướng rất quan tâm đến vấn đề này. Ông khẳng định SGK có lỗi, có sạn, và lỗi này phải được tiếp thu một cách cầu thị, khoa học.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="de nghi dieu tra sai sot trong SGK lop 1 anh 5" src="https://khds.1cdn.vn/2020/11/04/znews-photo-zadn-vn_pho_thu_tuong_vu_duc_dam_5_.jpg" title="đề nghị điều tra sai sót trong SGK lớp 1 ảnh 5" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Phó thủ tướng Vũ Đức Đam góp ý Bộ GD&ĐT cần tận dụng công nghệ thông tin đưa bản thảo SGK lên sớm trước khi phê duyệt. Ảnh: <em>Quochoi.vn.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Phó thủ tướng cho biết Bộ trưởng GD&ĐT đã có chỉ đạo kiên quyết như thay Chủ tịch Hội đồng thẩm định. Song ông nhắc Bộ GD&ĐT phải lưu ý, vì sai sót tránh được thì phải rút kinh nghiệm nghiêm túc, để quy trình biên soạn, thẩm định SGK năm nay và các năm tiếp theo không để xảy ra những sự cố tương tự.</p> <p>Đánh giá có nhiều việc Bộ GD&ĐT không thông tin, trao đổi kịp thời, Phó thủ tướng nhấn mạnh dù một chương trình có một hay nhiều bộ SGK thì vẫn phải đảm bảo tốt bằng, hoặc tốt hơn ngày xưa.</p> <p>“Bộ cần tận dụng công nghệ thông tin đưa bản thảo SGK lên sớm trước khi phê duyệt, để những người có kinh nghiệm góp ý, sau đó chắt lọc ý kiến đúng để tiếp thu, còn lại giải thích cho xã hội đồng thuận”, Phó thủ tướng góp ý.</p> </div> <p> </p>