Hôm qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã thừa ủy quyền của Thủ tướng trình Quốc hội dự kiến kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng, không cần thiết đưa nội dung cơ cấu lại nền kinh tế thành một Kế hoạch riêng. Hiện nay, có khá nhiều nội dung của Kế hoạch trùng lặp với nội dung đã được nêu tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Và các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công 5 năm 2021 - 2025.
Một số đại biểu khác lại đồng ý với kế hoạch này của Chính phủ. “Cơ cấu lại nền kinh tế không chỉ cần, mà rất cần thiết”, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) phát biểu.
Vì việc phân bổ nguồn lực nội tại của nền kinh tế đang mất cân đối. Điển hình như khu vực doanh nhiệp nhà nước đang chiếm giữ nguồn lực lớn, trong khi sử dụng chưa hiệu quả. Trong khi, khu vực tư nhân lại khó tiếp cận với các nguồn lực phát triển.
Nhiều vùng kinh tế có tiềm lực phát triển, nhưng lại chưa được đầu tư tương xứng, không phát triển được thế mạnh của mình. Khiến cho những khu vực này luôn trong tình trạng nghèo nàn, đời sống người dân thì thấp kém.
Ví dụ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang có mức đầu tư hạ tầng thấp hơn các vùng kinh tế trọng điểm khác..., không được quan tâm đúng với giá trị vùng này đang có.
Chưa hết, ông Cường lo ngại khi nền kinh tế nước ta thiếu vắng những doanh nghiệp trụ cột của nền kinh tế. Sự thiếu vắng này được thể hiện rõ nét trong việc chiếm lĩnh của khu vực FDI trong tỷ trọng xuất nhập khẩu,...
Những bất cập trên còn được đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) đánh giá Kế hoạch mới tập trung mạnh đến tái cơ cấu theo vùng trung tâm, đô thị, mà chưa có sự đề cập đến tái cơ cấu kinh tế không gian khu vực trung du, miền núi. Đề nghị Chính phủ quan tâm đề ra các giải pháp thúc đẩy tái cơ cấu khu vực này.
Tại đầu cầu TP. HCM, đại biểu Trần Hoàng Ngân góp ý, Chính phủ cần có kịch bản ứng phó không để kinh tế vĩ mô bất ổn, kiến nghị Chính phủ bình ổn giá xăng dầu, việc giải ngân đầu tư công cũng cần tập trung xử lý.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thực chất của Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế là là quá trình thay đổi hệ thống thể chế, chính sách phù hợp với tình hình mới, điều chỉnh trong quá trình chỉ đạo điều hành để hình thành cơ cấu mới.
Như vậy, cơ cấu lại nền kinh tế sẽ không chỉ tập trung vào cơ cấu thành phần kinh tế, các ngành kinh tế, các không gian kinh tế. Mà cần quan tâm đến các ngành có lợi thế, dư địa, cơ hội kinh doanh mới. Từ đây, các ngành có tính lan tỏa, dẫn dắt, đóng góp lớn hơn, nhiều hơn cho nền kinh tế.