Dạy kỹ năng sống, trẻ mang theo suốt cuộc đời
Liên tiếp trong thời gian gần đây xảy ra các vụ việc liên quan tới trẻ em, từ em bé đứng ngoài cổng trường, rồi tai nạn trong trường học. Quốc hội cũng vừa mới có phiên thảo luận trực tuyến về phòng chống xâm hại trẻ em. Vấn đề bảo vệ an toàn cho trẻ em được dư luận đặc biệt quan tâm. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trao đổi với phóng viên KH&ĐS bên hành lang Quốc hội. |
Liên quan tới vấn đề bảo vệ an toàn trẻ em có ở rất nhiều lĩnh vực. Khi trẻ ở cạnh nhau, đôi khi cũng đã là mất an toàn rồi, như có thể đánh nhau, xâm hại nhau… Hoặc những vụ việc đuối nước rất thương tâm; Vụ cháu bé đứng ngoài cổng trường. Và gần đây nhất là vụ cây đổ đè chết học sinh trong sân trường…
Nói như vậy để thấy rằng, bảo vệ an toàn cho trẻ em là vấn đề rất rộng, nói cũng đã rất nhiều. Nhưng nay xảy ra chuyện này, mai lại xảy ra chuyện khác.
Vậy phải làm thế nào? Theo tôi, có những nguyên nhân khách quan nhiều khi bất ngờ, không tránh được, ví dụ như thiên tai, hỏa hoạn, hoặc cái cây đang xanh tốt thế mục ruỗng từ bao giờ cũng khó biết được… Điều quan trọng vẫn phải là giáo dục cho trẻ kỹ năng sống. Đây là điều mình có thể chủ động làm được.
Tôi cho rằng, trách nhiệm của các thầy cô giáo không chỉ ở dạy chữ, mà còn phải dạy cho học trò cả kỹ năng sống.
Như tôi, giờ đã trưởng thành, nhưng vẫn nhớ, khi đi chăn trâu ngoài đồng, nếu có mưa giông bất ngờ, không bao giờ được trú ở gốc cây cao, to vì dễ bị sét đánh, không chạy loăng quăng... Thì thời hiện tại, cũng có thể dặn trẻ đi khi đi học thì đi đến nơi về đến chốn, không được đi dàn hàng ngang ra đường, vừa đi vừa nói chuyện, sẽ dễ xảy ra tai nạn giao thông…
Vì sao ông nhấn mạnh tới vai trò của thầy cô giáo trong việc dạy kỹ năng sống cho trẻ?
Bởi vì, lời của các thầy cô giáo trẻ thường dễ nghe theo. Bản thân các thầy cô giáo cũng phải có kỹ năng. Và khi có kỹ năng thì phải truyền lại cho học sinh. Thậm chí tổ chức những buổi riêng mời chuyên gia về dạy cho các con kỹ năng sống.
Hôm nay các trẻ chưa nhớ, thì lại dạy lại, gắn luôn với thực tiễn. Chẳng hạn đúng lúc trời mưa có sấm chớp lớn thì dặn trẻ không đi ra đường. Hoặc đừng đứng gần cột điện, gần gốc cây to. Hậu quả có thể cây đổ, hoặc sét đánh. Như vậy, các con sẽ và trẻ sẽ ghi nhớ.
Để xảy ra tai nạn cho trẻ, theo ông cần phải xử lý như thế nào?
Theo tôi, tất cả những nơi nào để xảy ra tai nạn cho trẻ em phải đều phải kiểm điểm. Nếu trong phạm vi gia đình, thì kiểm điểm cha mẹ. Còn đối với khu vực vui chơi, học tập, thì phải kiểm điểm người phụ trách khu vực đó.
Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"
Liên quan tới vấn đề bảo vệ an toàn cho trẻ, câu chuyện em bé đứng ngoài cổng trường cũng được dư luận đặc biệt quan tâm. Quan điểm của ông về vụ việc này như thế nào?
Tôi cho rằng, phải có sự làm việc giữa tất cả các bên. Tránh trường hợp khi người này nói A, người kia nói B, thành nhiễu thông tin.
Các cơ quan chức năng cần làm việc và xem xét, có đúng là thời điểm đó nhà trường đóng cổng, không cho học sinh vào không, có việc Sao đỏ ngăn cấm không… Tất cả những vấn đề đó phải đánh giá đầy đủ. Thậm chí, phải thành lập một nhóm từ Bộ đánh giá, rồi có sự chỉ đạo thống nhất trong toàn quốc. Bởi vấn đề học sinh không bán trú đến sớm không chỉ ở trường này. Đừng để xảy ra chuyện “mất bò mới lo làm chuồng”.
Chứ không phải là nên dừng lại, để tránh làm tổn thương tới đứa trẻ, thưa ông?
Theo tôi, sự việc phải làm cho rõ ràng trắng đen, đừng coi đây là việc nhỏ. Với tôi là việc rất lớn. Bởi vì nó liên quan tới mối quan hệ gia đình, nhà trường, xã hội, liên quan tới sự thật và tới trẻ em. Nếu không xử lý, đến một lúc nào đó lại xảy ra thì sao?
Hơn nữa, nó còn liên quan tới vấn đề khủng hoảng niềm tin, ảnh hưởng, tác động tới toàn xã hội do thông tin nhiễu loạn. Người ta không biết tin vào đâu. Từ đó, tạo thành xung đột xã hội, khi hình thành các luồng ý kiến khác nhau, mỗi người bảo vệ một quan điểm. Như vậy, đây không phải là câu chuyện nhỏ nữa, mà là một câu chuyện xã hội liên quan tới đối tượng đặc biệt, lĩnh vực đặc biệt đó là giáo dục đào tạo.
Để tránh ảnh hưởng tới đứa trẻ thì người lớn cần làm rõ nhưng không cho em bé tham gia. Đồng thời cũng giáo dục học trò, không bàn tán, định kiến với bạn bè…
Để làm được điều này theo ông cần điều gì?
Muốn kiểm soát được, theo tôi những người liên quan cần phải có tâm thế thật tốt, từ thầy hiệu trưởng tới cô giáo chủ nhiệm. Tránh việc hiềm khích, thù hằn, định kiến. Và đặt lợi ích, sự an toàn của trẻ lên đầu tiên.
Qua những xung đột của dư luận trong vụ việc này tôi thấy, có biểu hiện của sự phản ứng với một thực trạng nào đó, đang tồn tại âm ỉ giữa các bên. Câu chuyện đứa trẻ tựa như một cơn gió làm mồi lửa bùng lên. Nếu chúng ta không làm rõ sự thật, nó sẽ tạm nguội nhưng vẫn tiếp tục âm ỉ và có nguy cơ bùng lên trong tương lai.