Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường: Tăng học phí phải kèm tăng hỗ trợ người học

(khoahocdoisong.vn) - Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội), khi tăng học phí phải đi kèm các chính sách trợ cấp cho người học. Hiện nay, mức hỗ trợ trực tiếp cho người học rất thấp.

Khi tăng học phí, sẽ có nhiều người gặp khó khăn

Là đại biểu Quốc hội, đồng thời cũng là Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, quan điểm của ông thế nào về đề xuất tăng học phí ở tất cả các cấp học của Bộ GD&ĐT?

Những trường đại học tự chủ, kể cả Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, trong lộ trình có tăng học phí, nhưng năm nay, do Covid-19 thì tất cả phải dừng lại. Lúc này, tất cả mọi người đều phải chung tay tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Phải đợi lúc nào kinh tế ổn định mới có thể thực hiện được.

Đại biểu Hoàng Văn Cường trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội.

Đại biểu Hoàng Văn Cường trao đổi với PV bên hành lang Quốc hội.

Tức là theo ông, trong tương lai, vẫn có thể thực hiện việc tăng học phí?

Tôi cho rằng, việc tăng học phí là cần. Bởi vì, tăng học phí là để cải thiện điều kiện người học tốt hơn. Nếu không có điều kiện về đầu tư, về trang thiết bị thì không thể giảng dạy tốt được.

Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là: Khi tăng học phí, thì tất cả người học ở Việt Nam có đủ trang trải được hay không?

Câu trả lời là sẽ có nhiều người trang trải được. Bởi thực tế, nhiều học sinh do chất lượng giảng dạy trong nước không đáp ứng được nhu cầu đã phải chuyển sang lựa chọn các cơ sở giảng dạy nước ngoài. Ví dụ, các chương trình liên kết nước ngoài, thậm chí đi du học. Chi phí đó rất lớn, gấp nhiều lần so với học ở trong nước. Vậy thì tại sao ta không nâng chất lượng đào tạo trong nước lên để những người đó có điều kiện học tập trong nước?

Nhưng cùng với đó, khi nâng học phí lên thì lại có nhiều người gặp khó khăn. Vì thế, cùng với tăng học phí phải có các chính sách về hỗ trợ học bổng, từ Chính phủ hoặc từ chính Nhà trường.

Việc tăng học phí có đi ngược lại với xu thế của thế giới không, thưa ông?

Không có nước nào bỏ hoàn toàn học phí, mà chỉ là tăng cường trợ cấp của Chính phủ. Theo đó, thay vì đầu tư cho các trường thì Nhà nước sẽ hỗ trợ trực tiếp cho người học.

Ví dụ, học sinh thuộc đối tượng con nhà khá giả có thể phải đóng học phí đầy đủ. Còn những đối tượng cần trợ cấp như thu nhập thấp, nhà có đông con đi học, người nghèo… thì Chính phủ phải trợ cấp.

Hiện nay, ở nước ta, phần đầu tư trực tiếp cho người đi học rất thấp, đối tượng được trợ cấp rất ít. Đây là điều không công bằng về năng lực hưởng thụ cho mỗi người. Những người có khả năng trả tiền để học thì không được học tốt hơn. Người đáng được xã hội trợ cấp để học tốt hơn thì không được trợ cấp, rất bất cập, cần thay đổi.

Làm thế nào học phí không phải dùng để xây dựng cơ sở vật chất

Ở các trường đại học tự chủ, học phí sẽ được tính dựa trên cơ sở nào, thưa ông?

Đối với các trường thực hiện theo cơ chế tự chủ, trong luật đã quy định các trường phải tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng học phí và phải tính đúng tính đủ, công khai, minh bạch nguồn thu. Theo đó, phải làm rõ: thu làm gì, tại sao phải thu mức đó, chi vào đâu, người học được hưởng thụ những gì…

Như vậy, dù là tự chủ, không phải các trường muốn thu bao nhiêu thì thu, và việc tăng học phí cao sẽ làm mất cơ hội học tập của những học sinh gia đình khó khăn, thưa ông?

Đúng vậy. Vì dù trường tự chủ hay không tự chủ đều phi lợi nhuận. Trên cơ sở quy định của Bộ GD&ĐT, các trường phải tính chi phí đào tạo, suất đào tạo đối với mỗi sinh viên. Và dựa trên đó để các trường thu học phí, không phải muốn tăng lên bao nhiêu thì tăng.

Về việc tăng học phí có làm mất cơ hội học sinh con nhà nghèo hay không, trong luật cũng quy định rất rõ các trường tự chủ phải đảm bảo khả năng tham gia của những người thu nhập thấp, gia đình khó khăn, thuộc diện chính sách xã hội…

Theo đó, các trường tự chủ trong cơ cấu thu học phí của mình phải đảm bảo, ít nhất 8% nguồn thu học phí phải dành để trở thành các quỹ học bổng cho sinh viên. Trường nào muốn thu hút được nhiều học sinh giỏi nhưng con nhà nghèo vào học thì phải dành quỹ này nhiều hơn, để nâng cao chất lượng, danh tiếng, uy tín của trường.

Ngoài ra, trường đại học có chất lượng tốt, thì thường thu hút sự quan tâm của những doanh nghiệp, người sử dụng lao động, từ đó có các suất học bổng tài trợ cho những sinh viên “nguồn” của họ.

Như vậy, chính sách học phí của các trường đại học phụ thuộc vào khả năng của từng trường và hoạt động tổ chức đào tạo của các trường, nhưng cũng vẫn phải theo luật.

Tăng học phí có phải là yếu tố quyết định tăng chất lượng đào tạo hay không, thưa ông?

Về nguyên tắc, học phí chỉ là một phần của chi phí đào tạo. Tức là bên cạnh chi phí của người học bỏ ra, thì Nhà nước phải đầu tư thêm vào. Và trên thế giới, không có một nước nào không đầu tư cho hệ thống giáo dục đại học, ngược lại đầu tư rất nhiều.

Hiện nay, mức chi cho giáo dục của một sinh viên đại học lớn ở Việt Nam chỉ bằng 1/10, 1/15 sinh viên đại học ở các nước phát triển.

Phần lớn những trường tự chủ của chúng ta vẫn phải tự thu, tự chi. Đây là giai đoạn đầu, tôi hy vọng sau này, trong chính sách sẽ có những hạng mục Nhà nước phải tiếp tục đầu tư. Làm thế nào học phí của học sinh không phải dùng để xây dựng trường lớp… thì mới trở thành yếu tố để nâng cao chất lượng dạy và học.

Tức là dù tự chủ thì cũng không phải Nhà nước sẽ “buông tay” hoàn toàn?

Đúng thế, và quan điểm của Nhà nước là tự chủ cũng không phải khoán trắng hoàn toàn. Nhà nước sẽ không trả tiền để các trường trả cho chi phí vận hành thường xuyên. Tuy nhiên, những đầu tư lớn, đầu tư cơ bản để nâng cao chất lượng đào tạo thì vẫn cần Nhà nước phải đầu tư. Những cái đó, không thể dựa vào học phí để trang trải.

Trân trọng cảm ơn ông!

Chỉ 1 ngày sau khi công bố dự thảo nghị định mới đề xuất tăng học phí ở tất cả các cấp học, trước bức xúc của dư luận về thời điểm tăng học phí không phù hợp khi ảnh hưởng dịch Covid-19 và thiên tai, ngày 13/11 Bộ GD&ĐT đã hoãn đề xuất này.

Trao đổi về việc này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, để chia sẻ và giảm gánh nặng về tài chính cho phụ huynh và học sinh, Bộ GD&ĐT có đề nghị trên để tạm giữ nguyên mức học phí hiện hành với tất cả các cấp. Theo đó, mức học phí đại học, giáo dục nghề nghiệp của năm 2021 - 2022 vẫn áp dụng theo mức học phí của năm học 2020 - 2021. Mức học phí mầm non, phổ thông của năm 2021 - 2022 vẫn áp dụng theo khung của năm học 2020 - 2021, giao HĐND các cấp căn cứ vào tình hình địa phương xem xét phê duyệt mức học phí cụ thể trong khung này. 

Cùng với đề nghị gia hạn thực hiện nghị định 86, Bộ cũng đề nghị lùi thời gian trình ban hành nghị định mới sang năm 2021 để có điều kiện tiếp thu ý kiến rộng rãi của toàn xã hội và tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị định. 

Việc ban hành nghị định thay thế nghị định 86 cũng sẽ lùi thời điểm thực hiện, dự kiến khoảng 2 năm nữa. Dự kiến năm 2022 - 2023 mới áp dụng việc tăng học phí và lộ trình tăng thêm hằng năm chỉ khoảng 2,5% so với mức tăng hằng năm của nghị định 86 đã ban hành. 

Theo Đời sống
back to top