<div> <p>Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 4/11, đại biểu Lưu Thành Công (tỉnh Vĩnh Long) dành phần lớn thời lượng phát biểu của mình đề cập đến thực trạng các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng ngày càng nhiều.</p> <p>Theo ông Công, không gian mạng gần đây xuất hiện nhiều thành phần giang hồ, dùng chiêu trò lừa gạt, thông tin thất thiệt tác động xấu đến môi trường Internet.</p> <p>Ông nói nhiều kênh YouTube đưa thông tin nhảm nhí, ảnh hưởng đến thuần phong, mỹ tục, tuyên truyền mê tín, xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ một số tập thể, cá nhân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội.</p> <p>“Không ít vụ tai nạn dẫn đến tử vong ở trẻ em mà nguyên nhân là trẻ học theo những trò chơi nhảm nhí, thiếu khoa học, thiếu văn hóa trên các kênh YouTube”, vị đại biểu nói.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="xu ly video nham, nau chao ga nguyen long anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2020/11/04/znews-photo-zadn-vn_luu_than_cong_vinh_long_zing.jpeg" title="xử lý video nhảm, nấu cháo gà nguyên lông ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Đại biểu Lưu Thành Công (đoàn Vĩnh Long). Ảnh:<em> Lê Quân.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Ông Lưu Thành Công cũng nhìn nhận hiện chưa có quy định về nội dung video trên YouTube trong khi dịch vụ này đang nở rộ tại Việt Nam. Vì lẽ đó, không ít người lợi dụng để sản xuất, phát tán các nội dung độc hại, nhảm nhí lên môi trường mạng nhằm kiếm tiền.</p> <p>“Điều đáng nói là clip này không cảnh báo cho trẻ em hay giới hạn độ tuổi”, vị đại biểu quan ngại.</p> <p>Ông nhấn mạnh các nội dung này đã làm xấu đi hình ảnh con người Việt Nam, là sự xúc phạm, phản cảm đối với các giá trị văn hóa. Cùng với đó là nạn buôn bán hàng giả, cho vay trực tuyến mang tính dụ dỗ, lừa gạt, tràn lan trên không gian mạng.</p> <p>Có nhiều người dùng mạng bị chiếm đoạt thông tin, bị lừa mất số tài sản lớn. Ông nhắc đến trường hợp người thân của nạn nhân ở công trình thủy điện Rào Trăng 3 bị chiếm đoạt 100 triệu đồng.</p> <p>Thay mặt cử tri, ông đề nghị <span>Chính phủ</span> có giải pháp thiết thực hơn nữa, tăng cường an ninh, trật tự trong lĩnh vực mạng. Luật cần bổ sung các quy định pháp lý, ràng buộc đối với các kênh YouTube cũng như video trên các trang mạng.</p> <p>“Tăng cường xử phạt hành chính, nếu cần truy cứu hình sự đúng theo quy định của pháp luật đối với những cá nhân vi phạm ở lĩnh vực này”, ông Công nói và nhấn mạnh hình phạt hiện nay còn nhẹ, chưa đủ răn đe.</p> <p>Ông cũng mong các đơn vị chức năng đẩy mạnh giáo dục để người dân, đặc biệt là học sinh đoạn tuyệt với các clip phản cảm, nhảm nhí, đề cao cảnh giác trước các chiêu trò lừa đảo trên Internet.</p> <div class="notebox ncenter"> <p>Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05, Bộ Công an) cho biết hơn 2 năm qua, cơ quan chức năng đã yêu cầu Google gỡ bỏ, vô hiệu hóa hơn 6.300 clip, 3 kênh YouTube (2 kênh của Khá "Bảnh" và một kênh của Dũng "Trọc").</p> <p>A05 cũng đề nghị Facebook gỡ bỏ gần 550 bài viết, tài khoản cá nhân và fanpage có nội dung xấu, như mua bán tiền giả, hướng dẫn chế tạo vũ khí, vật liệu nổ, chất gây nghiện...</p> </div> </div> <p> </p>