Đại biểu Quốc hội: Đánh, bạt tai, đuổi học sinh ra khỏi lớp… đều không được phép

(khoahocdoisong.vn) - Theo các đại biểu Quốc hội, trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về mặt thân thể. Mọi hình thức đánh đập, bạo lực với học sinh đều không được phép. Tuy nhiên, giáo dục vẫn cần sự răn đe.

Trao đổi với phóng viên KH&ĐS, đại biểu Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng: "Phải làm sao đào tạo được giáo viên có chữ Nhẫn".

Cần cái nhìn khách quan

Trong phiên họp về Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, triết lý giáo dục là một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm. Theo ông, các vụ việc bạo lực học đường, đặc biệt là cô giáo đánh học sinh có liên quan tới việc chúng ta dường như thiếu triết lý giáo dục?

Tôi cho rằng, bạo lực học đường cũng chỉ phần nào liên quan tới triết lý giáo dục. Trong giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về những nguyên lý nội dung triết lý giáo dục, triết lý giáo dục đã nằm rải rác ở các điểm trong luật này. Không cần phải có một điều quy định về triết lý giáo dục.

Còn về việc giáo viên đánh học sinh, chúng ta phải có cái nhìn tổng thể. Thử hỏi, trên đất nước này, có bao nhiêu trường hợp cô giáo như vậy? Tôi cũng đi dạy, tôi biết chứ.

Có phải theo ý ông, đây chỉ là những trường hợp cá biệt?

Đúng thế. Chúng ta đừng biến cái cá thể, điểm nóng để thành bản chất để mà quy chụp thầy cô giáo. Oan cho các thầy cô. Một vài trường hợp, không phải là hiện tượng phổ biến thì chúng ta phải đánh giá hết sức khách quan, hết sức bình tĩnh và xem xét việc này trong quá trình phát triển xã hội.

Theo ông, cái nhìn khách quan đó là như thế nào?

Tôi cho rằng, có thể cô giáo nóng nảy, đánh học sinh. Nhưng sau khi đánh xong, thử hỏi có thầy cô giáo nào không ân hận hay không? Vì thực ra, cũng là bởi muốn cho con mình, các học sinh học tốt.

Tuy nhiên, từ điều này đặt ra vấn đề chất lượng trong quá trình đào tạo sư phạm. Chúng ta phải làm sao đào tạo được các thầy cô giữ được chữ nhẫn và sự bình tĩnh trước học sinh.

Các thầy cô phải coi học sinh đang trong quá trình phát triển, phấn đấu, rèn luyện, có thể xảy ra việc này việc kia là đương nhiên. Mình phải dùng các biện pháp để giáo dục.

Tôi cho rằng, công tác tuyên truyền của chúng ta cần phải được nghiên cứu kỹ. Việc đổ hết lỗi lên đầu ngành giáo dục không nên.

Tất cả các hình thức xâm phạm vào thân thể học sinh đều không được phép

Vậy theo ông, vấn đề này xuất phát từ đâu?

Theo tôi, vấn đề bạo lực học đường xuất phát từ 4 nguyên nhân:

Nguyên nhân đầu tiên là học sinh. Bản thân học sinh đang trong quá trình phát triển , nên không tránh khỏi những va vấp, chuyện này chuyện khác. Phải rèn luyện sao cho các em đi đúng định hướng.

Thứ hai là từ phía nhà trường. Giáo dục phải đi trước, định hướng trước. Làm sao để các em tuân thủ nội quy, quy trình của nhà trường. Việc rèn luyện ở trong chính môi trường của nhà trường rất quan trọng.

Thứ 3 là từ phía gia đình. Vì sao gia đình lại đổ hết lỗi cho thầy cô giáo? Con mình tính cách, học hành như thế nào mình phải hiểu, theo sát, đặc biệt người lớn phải làm gương cho trẻ. Chứ không phải phó mặc con hoàn toàn cho các thầy cô giáo.

Thứ 4 là từ phía xã hội. Chúng ta phải công bằng với học sinh và các thầy cô. Cả xã hội phải tập trung vào động viên các thầy, giúp đỡ các học sinh, để thầy cô và học trò gặp nhau ở một điểm đó là dạy tốt, học tốt như khẩu hiệu lâu nay vẫn đặt ra,

Hiện có hai luồng ý kiến tranh luận: Các thầy cô được phép trách phạt học sinh, vấn đề là ở mức độ nào, coi đây cũng là một phương pháp giáo dục. Hai là tuyệt đối không được dùng bạo lực, dù là dùng bất kỳ một hình thức nào. Ý kiến của ông thế nào?

Theo tôi thầy cô giáo không được phép đánh đập học sinh, bắt học sinh quỳ cũng không được. Tất cả các hình thức đụng chạm, xâm phạm vào thân thể vào học sinh đều không được phép.

Việc đuổi học sinh ra khỏi lớp cũng vậy, theo tôi đều tối kiến chứ không phải là sáng kiến. Bởi vì các cháu là học sinh, đuổi các em ra khỏi trường khỏi lớp một tháng thì các em còn theo kịp được kiến thức hay không? Trong giáo dục không cho phép như thế.

Tuy nhiên, nếu luôn nhẹ nhàng thì cũng không được. Điều cơ bản ở đây là khi các em có vi phạm phải có biện pháp giáo dục, răn đe.

Theo ông, biện pháp đó sẽ là như thế nào?

Theo tôi, thứ nhất cần chấm điểm các em về mặt đạo đức. Thứ hai là kết nối với gia đình để phối hợp giáo dục.

Thứ ba là đưa ra kiểm điểm trước tập thể học sinh để các em đóng góp cho nhau. Nhưng chúng ta phải áp dụng hình thức chấm điểm, đưa ra tổ kiểm điểm để các em rút ra bài học cho nhau.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Đoàn Hà Nội):

Thầy cô không có uy thế trước học sinh là điều băn khoăn nhất

Ngày xưa đi học đúng là có chuyện bị các thầy đánh trách phạt. Nhưng giờ thay đổi khác xưa rất nhiều rồi. Giờ trẻ em được pháp luật bảo vệ, trong đó có quyền bất khả xâm phạm về mặt thân thể. Do đó chúng ta phải có biện pháp khác để giáo dục. Tuy nhiên, điều khiến tôi băn khoăn nhất là việc bố mẹ các em gây áp lực lên thầy cô giáo. Đứng trước học sinh, các thầy cô giáo không có uy thế gì cả. Và việc các em coi thường thầy cô, theo tôi đó là điều đáng lo ngại, gây ảnh hưởng nhất.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang): Đề cao quá tính cá nhân học sinh có thể ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục

Trước những câu chuyện giáo viên có hành vi đánh học sinh, ở góc độ bản thân, tôi cảm thấy thương các thầy cô giáo. Đến con mình còn khó dạy. Nói thực là số học sinh cá biệt bây giờ không ít, đã không học còn phá đám. Nếu ta quá đề cao tính cá nhân của các em học sinh thì có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

Với tư cách đại biểu, cũng là một người thầy, tôi thấy nếu không có chế tài xử lý học sinh vi phạm thì rất khó. Tôi rất thông cảm với những vị phụ huynh có con không ngoan lắm, nhưng cần có chế tài xử lý. Trẻ mà không dạy dỗ cẩn thận thì lớn lên rất khó dạy. Cây non dễ uốn. 

Tôi không đồng tình với việc giáo viên kỷ luật theo kiểu tra tấn, đánh đập học sinh, nhưng rõ ràng phải có chế tài, không có chế tài thì nói không ai nghe.

Theo Đời sống
back to top