Đặc biệt di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh

Di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh trình UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc học hay nhân học...

UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa có văn bản đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn lập hồ sơ di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương và hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh là Di sản thế giới.

Xin được điểm qua những giá trị đặc biệt và quá trình xây dựng hồ sơ Di sản thế giới của di tích lịch sử này.

Dấu tích của nền văn hóa cổ

Văn hóa Sa Huỳnh là văn hóa khảo cổ thuộc thời đại kim khí được hình thành đỉnh cao văn minh vào thời kỳ đồ sắt có niên đại từ 500 năm TCN, kết thúc ở thế kỷ 2 SCN, có nguồn gốc hình thành phát sinh và phát triển từ các văn hóa tiền Sa Huỳnh trước đó thuộc sơ kỳ đồng thau, Trung kỳ đồng thau (khoảng 1.500 - 500 TCN).

Phân bố của Văn hóa Sa Huỳnh là ở miền Trung Việt Nam, phía Bắc giao thoa với Văn hóa Đông Sơn ở Quảng Bình, phía Nam giao thoa với Văn hóa Đồng Nai ở Bình Thuận, phía Tây là rìa Tây Nguyên, vùng thung lũng Đông Trường Sơn, phía Đông vươn ra đảo gần bờ.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi khai quật mộ chum ở Di tích Văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: Trí Tín / Báo Lao Động.

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi - Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi khai quật mộ chum ở Di tích Văn hóa Sa Huỳnh. Ảnh: Trí Tín / Báo Lao Động.

Các di tích về văn hóa Sa Huỳnh thuộc loại hình di tích khảo cổ, gồm 6 địa điểm di tích, tính từ hướng Bắc vào Nam có: Đầm An Khê, Lạch An Khê – sông Cửa Lỗ, Phú Khương, Long Thạnh, Thạnh Đức và quần thể di tích Champa ở xóm Cỏ, tiếp nối nhau phân bố liên tục trong không gian đầm, biển, cồn cát.

Trong đó, địa điểm di tích Long Thạnh được khai quật vào các năm 1977, 1978, 2010; địa điểm di tích Phú Khương được khai quật vào các năm 1923, 1959 và địa điểm di tích Thạnh Đức (nơi lần đầu tiên phát hiện Văn hóa Sa Huỳnh năm 1909) được khai quật vào các năm 1923, 1934.

Các cuộc khai quật đã làm phát lộ một nền văn hóa rất độc đáo, với nét đặc trưng là những ngôi mộ chum được chôn thành khu nghĩa địa lớn, đồng thời cũng tìm thấy mộ vò, mộ đất. Đồ trang sức đặc thù của văn hóa Sa Huỳnh là khuyên tai hai đầu thú, khuyên tai ba mấu, hạt chuỗi mã não, vòng tay được chế tác từ đá quý, thủy tinh, vỏ nhuyễn thể biển.

Nghề chế tạo thủy tinh và luyện rèn sắt là thành tựu nổi bật, có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của xã hội Sa Huỳnh. Các cư dân Sa Huỳnh đã có sự giao lưu rộng rãi với các văn hóa khác trong khu vực Đông Nam Á lục địa và hải đảo.

Hai địa điểm Long Thạnh và Phú Khương đã được Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định xếp hạng Di tích lịch sử – văn hoá Quốc gia tại Quyết định số 3457/QĐ-BVHTT ngày 05/11/1997.

Vào ngày 29/12/2022, di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 1649/QĐ -TTg, gồm có 6 địa điểm: Thạnh Đức, Long Thạnh, Phú Khương, quần thể di tích Champa xóm Cỏ, đầm An Khê và đập An Khê sông Cửa Lỗ, với diện tích khoanh vùng bảo vệ khu vực I và khu vực II là hơn 500 ha.

Xây dựng hồ sơ di sản thế giới cho di tích

Trên cơ sở nhận định di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh đáp ứng một số tiêu chí có giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và tính xác thực theo Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới của UNESCO, đồng thời để tăng cường hiệu quả công tác bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị di sản của văn hóa, tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động triển khai công tác nghiên cứu, xây dựng hồ sơ di sản thế giới đối với di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh.

Đèn gốm thuộc văn hóa Sa Huỳnh, hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Đèn gốm thuộc văn hóa Sa Huỳnh, hiện vật của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Dự kiến di tích này tiếp tục được mở rộng tại các điểm di tích khảo cổ đã được khai quật nghiên cứu khoanh vùng bảo vệ gồm: Địa điểm xóm Ốc, suối Chình (đảo Lý Sơn); khu vực miền núi có thôn Trà, thôn Trà Veo, Di Lăng (huyện Sơn Hà); địa điểm cư trú và mộ táng Bình Châu (huyện Bình Sơn).

Như vậy, di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh trình UNESCO ghi vào danh mục Di sản thế giới được mở rộng ở 4 khu vực: Sa Huỳnh (cửa biển) - Lý Sơn (hải đảo) - Bình Sơn (nghĩa địa tàu cổ) - Sơn Hà (thung lũng núi) có giá trị nổi bật toàn cầu xét theo quan điểm lịch sử, thẩm mỹ, dân tộc học hay nhân học, tạo nên diện mạo đa sắc về phức hệ sinh thái của cư dân văn hóa Sa Huỳnh.

Theo tỉnh Quảng Ngãi, việc xây dựng hồ sơ di sản văn hóa thế giới là cơ hội và thách thức đối với tỉnh, đòi hỏi công tác tập trung nghiên cứu, tham vấn ý kiến từ các Bộ, ngành Trung ương, nhà khoa học, chuyên gia trong lĩnh vực di sản.

Do đó để có cơ sở pháp lý và tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh thực hiện công tác lập hồ sơ di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương và hoàn thiện hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới, UBND tỉnh Quảng Ngãi trân trọng đề nghị Bộ VHTTDL quan tâm, hướng dẫn tỉnh Quảng Ngãi về quy trình, thủ tục, nội dung lập hồ sơ di tích, di sản văn hóa thế giới theo quy định.

Hiện nay, tỉnh đang tập trung xây dựng kế hoạch hoàn thiện các hồ sơ thủ tục để trình Thủ tướng xin lập nhiệm vụ quy hoạch về Di tích quốc gia đặc biệt và lập hồ sơ gửi UNESCO ghi danh là Di sản Thế giới. Đây là di tích có tính chất rất đặc biệt, là 1 trong 3 nền văn hóa lớn của dân tộc Việt Nam là Văn hóa Sa Huỳnh, Văn hóa Óc Eo và Văn hóa Đông Sơn, cho nên rất cần sự bảo vệ, phát huy và gìn giữ.

- Ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi.

Theo Đời sống
back to top