<div> <p><span>PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Đội trưởng Đội điều tra giám sát dịch do Bộ Y tế thành lập đêm 25/7 cho hay mục đích của hoạt động truy vết trong phòng, chống dịch chính là tìm kiếm người tiếp xúc gần với bệnh nhân, càng sớm càng tốt để cách ly kịp thời, triệt để, ngăn chặn dịch lây lan.</span></p> <p>Đã từng có nhiều kinh nghiệm trong những lần phát hiện, khoanh vùng, truy vết, dập dịch tại những vùng dịch bị cách ly như Sơn Lôi, Hạ Lôi, Bình Thuận, ông Dương cho biết, việc truy vết dựa trên các nguyên tắc, đó là chạy đua với thời gian, càng sớm càng tốt; các sự kiện, địa điểm hay còn gọi là mốc dịch tễ và từng người tiếp xúc gần cần được truy vết trong khoảng thời gian từ thời điểm 3 ngày trước khi bệnh nhân khởi phát đến khi bệnh nhân được cách ly y tế.</p> <p>Cùng với lực lượng được coi là đặc nhiệm do Bộ Y tế cứ vào hỗ trợ, Đà Nẵng đã huy động tối đa nguồn nhân lực và vật lực để đẩy mạnh xét nghiệm. Theo đó, khoảng 2.200 nhân viên y tế Bệnh viện Đà Nẵng sẽ được xét nghiệm kháng thể bằng kỹ thuật Elisa lần đầu được triển khai tại Việt Nam.</p> <p>Đội công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ địa phương 10.000 bộ test để xét nghiệm kháng thể bằng phương pháp Elisa. Đây là phương pháp (kỹ thuật) xét nghiệm kháng thể mới chưa từng áp dụng ở Việt Nam, test thử do Việt Nam chủ động sản xuất.</p> <p>Việc này giúp Đà Nẵng trong việc truy vết, tìm kiếm nguồn lây nhiễm, phát hiện sớm người mắc để có biện pháp ứng phó kịp thời, ngăn chặn sự lây lan ra diện rộng.</p> <p>Phương pháp này sau đó sẽ được áp dụng tại Bệnh viện C Đà Nẵng (hiện đang cách ly khoảng 1.000 người, trong đó có gần 1 nửa là bệnh nhân, số còn lại là người nhà, cán bộ, nhân viên y tế), các khu du lịch có người nước ngoài lưu trú, nơi cư trú, sinh hoạt của bệnh nhân 416 và 418.</p> <p>Bên cạnh đó, CDC Đà Nẵng cũng đẩy mạnh điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp PCR đối với các trường hợp tiếp xúc gần, nguy cơ cao đối với 2 bệnh nhân này.</p> <p>Được biết hiện CDC Đà Nẵng đã xác định có 294 người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân 416, kết quả xét nghiệm đến sáng 26/7 cho thấy, 100% mẫu bệnh phẩm đều âm tính với SARS-CoV-2.</p> <p>Tuy nhiên, do bệnh nhân phải thở máy, không trực tiếp khai báo thông tin, kết hợp với việc đi lại, tham gia nhiều sự kiện nên công tác truy vết gặp nhiều khó khăn. Với bệnh nhân 418, nhà chức trách đang xác định những trường hợp có tiếp xúc để cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.</p> <p>Trước đó, sáng ngày 25/7, Đoàn công tác do PGS.TS Trần Như Dương dẫn đầu đã có buổi kiểm tra tại khu vực nơi bệnh nhân COVID-19 số 416 sinh sống (đường An Khánh 2, phường Hòa Khánh Bắc phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu).</p> <p>Theo báo cáo của chính quyền địa phương, tại khu vực bệnh nhân nghi mắc COVID-19 sinh sống có 132 hộ dân. Hiện mọi hoạt động của người dân nơi đây vẫn diễn ra bình thường như mọi ngày.</p> <p>PGS.TS Trần Như Dương đề nghị địa phương cần thành lập “Tổ COVID-19 cộng đồng” để theo dõi khu dân cư địa phương. Cụ thể, 132 hộ dân sẽ thành lập các tổ có khoảng 5-10 người và có một người phụ trách. Người này phải tâm huyết, trách nhiệm, hằng ngày nắm danh sách từng thành viên trong các gia đình, hằng ngày phải đi từng ngõ, gõ từng nhà. Đặc biệt, không thể bỏ sót bất cứ một ai. Nếu có gì bất thường thì đại diện tổ sẽ báo cáo ngành chức năng để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 và tiến hành cách ly.</p> <p> </p> </div> <p> </p>