Sáng ngày 14/8, Bộ Công Thương đã có văn bản hỏa tốc gửi các doanh nghiệp, hợp tác xã có cơ sở phân phối tại TP. Đà Nẵng về việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu cho người dân TP. Đà Nẵng.
Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị phân phối hàng tại TP. Đà Nẵng tăng nguồn cung phục vụ người dân (Ảnh chụp tại siêu thị Lotte Mart ngày 14/8) |
Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị các doanh nghiệp, hợp tác xã phân phối tập trung huy động các nguồn lực nhằm tăng lượng dự trữ, bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu tại các hệ thống phân phối trên địa bàn TP. Đà Nẵng để phục vụ người dân. Chủ động lên phương án tổ chức các điểm bán hàng lưu động, dã chiến nhằm đảm bảo cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân tại các khu vực phong tỏa khi cần. Tăng cường thực hiện các phương thức bán hàng trực tuyến (thương mại điện tử, đi chợ hộ…). Phối hợp với các tổ chức đoàn thể, tổ Covid – 19 cộng đồng của các khu dân cư trên địa bàn thành phố để kịp thời cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân.
Tại cuộc họp UBND TP. Đà Nẵng với đại diện "Tổ công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương miền Bắc và miền Trung" của Bộ Công Thương (Tổ công tác đặc biệt) sáng 14/8, ông Hồ Kỳ Minh – Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng - cho biết, thành phố đã có kế hoạch hỗ trợ thực phẩm thiết yếu cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn như các hộ nghèo, hộ chính sách, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, công nhân mất việc…. được ưu tiên cung ứng thực phẩm thiết yếu trong 7 ngày.
Về nguồn cung hàng hóa hỗ trợ, UBND TP. Đà Nẵng giao Sở Công Thương nghiên cứu, đặt hàng rau củ của các doanh nghiệp đầu mối cung ứng tại chợ đầu mối Hòa Cường (chợ đầu mối đang tạm đóng cửa, hiện thành phố đang tập kết hàng rau củ tại số 9 Cách mạng tháng 8) để mua dự trữ hỗ trợ nhân dân, với lượng hàng hóa khoảng 150 – 200 tấn/ngày.
Ngoài ra, đến thời điểm hiện tại, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp đang có kế hoạch chung sức cùng thành phố đảm bảo thực phẩm cho người dân trong thời gian từ ngày 16 – 23/8. Trong đó, Sungroup dự kiến hỗ trợ cho TP. Đà Nẵng 30.000 suất quà nhu yếu phẩm thiết yếu cho các hộ gia đình khó khăn, cùng 1.500 tấn rau củ quả. Tập đoàn BRG đăng ký hỗ trợ thịt, cá (dự kiến sẽ phân bổ cho các xã thuộc huyện Hòa Vang, phần còn lại sẽ đưa về các quận có nhiều người lao động khó khăn, người ở trọ, công nhân nghỉ việc…). Tập đoàn Phương Trang có kế hoạch hỗ trợ rau củ quả, dự kiến chuyển xuống các phường để giảm tải các đơn hàng.
TP. Đà Nẵng dự kiến sẽ hỗ trợ thực phẩm thiết yếu cho các cá nhân, hộ gia đình khó khăn trong thời gian 7 ngày thực hiện phong tỏa |
Hàng hóa sẽ được phân xuống theo quận, sau đó xuống từng phường, từ các phường phân xuống các tổ dân phố. Thành phố sẽ thành lập các tổ giám sát để đảm bảo hàng hóa sau khi phân phối xuống phường nhanh chóng về các tổ và đến với hộ dân sớm nhất.
Ông Hồ Kỳ Minh đề nghị Sở Công Thương khẩn trương chuẩn bị nguồn cung; trong trường hợp cần thiết sẽ mua chung thực phẩm để phân phối cho người dân.
Đối với các đối tượng không thuộc diện hỗ trợ, phương án cung ứng hàng hóa dự kiến thông qua các cửa hàng tiện lợi, tạp hóa, siêu thị để đưa tới người dân theo hình thức mua chung từng tổ dân phố.
Trước mắt, thành phố yêu cầu hệ thống siêu thị hiện đại là đầu mối cung cấp rau củ quả cho thành phố. Thời gian tới, giao cho Sở Công Thương tính phương án mở lại các chợ truyền thống và chợ đầu mối.
Người dân mua thịt tại gian hàng thiết yếu lưu động 78 Âu Cơ (chợ Hòa Khánh) sáng 14/8 |
Ông Bùi Xuân Lịch – thành viên Tổ công tác đặc biệt - nhấn mạnh, các phương án cung ứng hàng hóa phải đặc biệt lưu ý đảm bảo lưu thông thông suốt, nhanh chóng nhất đối với mặt hàng thiết yếu. Nhất là khâu vận chuyển từ các địa phương khác về TP. Đà Nẵng. Đồng thời, việc cung ứng hàng hóa phải tính đến nhiều phương án dự phòng để đảm bảo cung ứng hàng hóa cho 1,2 triệu người, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Trần Phước Trí - Quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng - cho biết, trong những ngày tới, các đội quản lý thị trường sẽ tăng cường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý nghiêm các hộ kinh doanh, tiểu thương tăng giá đột biến để trục lợi, nhất là đối với mặt hàng thiết yếu.
|
Do chợ đầu mối Hòa Cường ghi nhận nhiều ca mắc Covid – 19, nguồn cung rau quả chợ đầu mối bị gián đoạn, nên trong hai ngày: 13-14/8, giá rau củ tại nhiều điểm bán lẻ trên địa bàn thành phố ghi nhận có tăng so với ngày thường.
Trước thời điểm thành phố tạm dừng mọi hoạt động, trong ngày 14 - 15/8, đại diện các đơn vị phân phối hàng hóa sẽ tăng tối đa nguồn cung để phục vụ người dân. Ông Nguyễn Minh Thương – Giám đốc siêu thị Lotte Mart Đà Nẵng - khẳng định: Từ ngày 13 – 15/8, siêu thị tăng lượng thực phẩm thiết yếu lên khoảng 7 lần, đặc biệt là các mặt hàng rau xanh, thực phẩm tươi sống như cá, thịt. Các siêu thị như Coopmart, Big C, MM Mega Market, Vinmart cũng đang tăng tối đa nguồn cung từ 3 – 6 lần. “Vinmart tăng tối đa nguồn cung lên khoảng hơn 4 lần. Hàng về liên tục, chúng tôi đã làm việc với nhà cung ứng để cung ứng hàng khi có dấu hiệu hết cục bộ" - ông Trần Quốc Việt – Giám đốc siêu thị Vinmart Đà Nẵng cho hay.
Hiện, một số siêu thị đang lo gián đoạn nguồn cung thịt heo do nhà cung cấp chưa có phương án tổ chức sản xuất "3 tại chỗ".