Đá vôi dễ ngấm nước, dễ vỡ
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, thực trạng xuống cấp của vỉa hè lát đá tự nhiên ở Hà Nội xuất phát từ 2 nguyên nhân: Chất lượng của đá và chất lượng của công tác lát đá. Đá lát được cưa xẻ từ những tảng đá lớn. Những tảng đá lớn đó phải kích nổ để lấy từ núi về, sau đó trải qua hàng loạt công đoạn mới cho ra được những viên đá lát đưa về Hà Nội. “Ra lò” từ tảng đá bị kích nổ, có viên đá còn nguyên vẹn, nhưng có những viên đá được lấy từ phần đá chỗ gần thuốc nổ sẽ bị “om”, tức là có những vết nứt ngầm rất nhỏ, chỉ khi đưa vào kính hiển vi mới thấy được mặc dù nhìn bằng mắt vẫn bình thường như bao viên đá khác.
Do đó, trước khi mang đá về lát vỉa hè, đơn vị chuyên môn phải thực hiện quy trình chọn lựa tỉ mỉ, viên nào tốt thì lấy, viên đá nào “om” phải loại ra. Những viên “om” được sử dụng dưới tác động lực của phương tiện hàng ngày sẽ nhanh chóng bị nứt, vỡ. Bên cạnh đó, lát đá quan trọng là lớp lót nền phải phẳng, không được lún, nếu có sự chênh lệch cốt nền dẫn đến nứt vỡ đá.
PGS.TS Dương Vân Phong, giảng viên Bộ môn Trắc địa Cao cấp, Đại học Mỏ Địa chất cho rằng, loại đá lát vỉa hè bị vỡ không phải là đá khối tự nhiên mà là đá vôi; chủ yếu phân bố ở vùng Thanh Hóa. Đá vôi không đạt yêu cầu để lát vỉa hè vì không bền theo thời gian. Mưa, nắng sẽ làm cho đá vôi bị bở đi vì đá vôi ngậm nước, đá sẽ tan trong nước theo thời gian. Những viên đá được lát đã có các vết nứt sẵn nên rất dễ vỡ. Đá lát vỉa hè Hà Nội tốt nhất là dùng đá Granite (phân bố nhiều ở các tỉnh từ Nghệ An trở vào hoặc có nhiều ở Yên Bái). Đá này có độ cứng cao, ít thấm nước, có thể lát ở các vị trí chịu xước, mài mòn… Hơn nữa, đá Granite dễ thi công hơn vì ít gãy, mẻ có độ bền về cơ học rất cao, ngay cả với các công trình chịu mưa, nắng. Tuy vậy đá granit có giá thành khá cao so với các loại đá khác.
Thi công không đúng làm giảm tuổi thọ của đá
KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, vỉa hè ở các đô thị lớn như ở Hà Nội là nơi tập trung rất nhiều đường ống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có cả dây thông tin, cấp điện, cấp nước, thoát nước… tác động rất nhiều đến lớp nền của lớp vật liệu hoàn thiện vỉa hè ở trên. Nhưng những khu vực khi thi công không chú trọng đến điều kiện đặc thù này cho nên không có giải pháp thích ứng với từng đoạn hè phố cụ thể. Ví dụ như có những rễ cây lớn, họ vẫn cứ để nguyên và tạo ra một lớp bê tông nên gây ra vỡ, lún.
Theo PGS.TS Dương Vân Phong, việc lát đá vỉa hè tại các tuyến phố hiện nay thể hiện sự cẩu thả, nền (base) làm không kỹ, cao thấp, lồi lõm không đều, hình thức không đẹp, khi bị vật nặng tác động vào (kể cả tải trọng tĩnh, động) dễ bị vỡ. Lớp base lót phía dưới không được đầm kỹ, nên có hiện tượng chỗ bị lún, chỗ không lún. Bề mặt có thể nghiêng để tạo độ dốc nhưng phải phẳng, không thể để lồi lõm. Hè nhấp nhô, uốn lượn chứng tỏ lớp nền, đế không được đầm tốt hoặc có đầm nhưng không đạt yêu cầu. Để biết chính xác nguyên nhân đá vỉa hè vỡ thì cơ quan chức năng phải làm rõ các yếu tố từ chất liệu đến cách thi công, tránh những dư luận không tốt.
Theo các chuyên gia, nếu các tuyến phố chỉ phục vụ cho việc đi bộ và kinh doanh thì giải pháp về chất lượng đá, độ dày, kết cấu nền sẽ rất khác với việc vẫn sử dụng giao thông hỗn hợp như hiện nay. Do vậy tùy theo khu vực mới nên lát đá hay không vì chỉ đi bộ thì đá rất lâu mới hỏng nhưng ôtô, xe máy đi lên thì sẽ chỉ vài năm là vỡ hết. Còn nếu có lát đá vỉa hè đồng bộ thì chỉ nên chọn những tuyến đường có hạ tầng hoàn chỉnh như tại khu vực quận Ba Đình, Hoàn Kiếm… để thực hiện, chứ không phải đường nào cũng làm được.