Viên đá đen người dân vùng Sông Hinh (Phú Yên) đổ xô đi đào.
Đổ xô đi đào “đá quý”
Nhiều ngày qua, hàng trăm người dân ở khắp nơi đổ về xới tung lòng hồ thủy điện Sông Hinh để lấy đá đen. Họ cho hay không biết người mua đá đen về làm gì nhưng có người mua là họ đào bán. Một số khác cho rằng, đá đen được các tiểu thương mua về làm trang sức. Giá đá đen thời điểm cao nhất đến 3 – 4 triệu đồng/kg nên nhiều người bất chấp nắng mưa, đổ xô đi đào.
Bà Trần Thị Bông (xã Ea Bia, huyện Sông Hinh), cho biết: “Cách đây khoảng một năm cũng có người đi đào đá đen rồi. Hồi đó, mấy bà đi thu mua đồng nát đặt mua với giá 50.000 đồng/kg nên chúng tôi thường đi quanh suối để tìm. Nhưng cách đây hơn một tháng, đá đen bỗng có giá lên đến cả triệu đồng nên dân trong vùng đổ xô đến đây đào để bán cho đầu nậu dưới TP Tuy Hòa lên thu mua.
Quang sát hình ảnh của những viên đá đen mà người dân vùng Sông Hinh đào được, GS.TSKH Phan Trường Thị, Viện Đá quý, vàng và trang sức Việt khẳng định, chắc chắn đó là những viên đá không có giá trị gì về cả tâm linh và vật chất. Đây chỉ là những viên đá núi lửa thông thường, có rất nhiều ở những vùng như Tây Nguyên, Phú Yên.
“Khu vực Sông Hinh có hai loại đá quý là saphia đen và tectit. Tuy nhiên khi quan sát hình ảnh những viên đá này thì chắc chắn không phải là hai loại đá trên. Chúng cũng không phải dòng đá quý nào mà chỉ là những viên đá rất bình thường, dễ kiếm, số lượng nhiều. Việc người dân bán với giá hàng triệu đồng, nhiều khả năng do một số người bịa ra, thổi giá lên nhằm mua đi bán lại để trục lợi”, GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết.
Theo GS Thị, việc người dân tự ý đi đào đá như vậy mà không biết đá gì, rất nguy hại cho môi trường, đặc biệt đó là là vùng hồ thủy điện. Rất có thể chỉ một vài ngày tới, sẽ không ai thu mua loại đá này nữa do chúng không có giá trị gì và kẻ thổi giá đã thu đủ lợi nhuận.
Đá quý khác hẳn
GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết, đá tectit có bề mặt lỗ chỗ, màu đen, nhẹ, có người đã từng gặp được viên đá tectit nặng hàng chục kg. Còn đá saphia cũng có màu đen, soi lên có các tinh thể hình lục giác, măt phẳng màu đen trông rất khác biệt. Có thể nếu gặp đúng mỏ đá, thì người ta có thể tìm thấy hàng chục kg đá, nhưng chúng không nhiều và dễ kiếm như loại đá đen mà người dân đang đi đào ở Phú Yên. Loại đá núi lửa màu đen đó không có ý nghĩa về khoa học cũng như tâm linh, do đó đây chỉ là trò lừa của những kẻ hám lời.
“Loại đá bán theo kg thì phải xác định chắc chắn không phải đá quý. Sử dụng những viên đá đó vào việc gì thì chính người dân cũng không biết được. Đá núi lửa màu đen từ trước đến giờ không phải là loại đá để khai thác thương mại, chúng không có giá trị gì nên không nằm trong danh mục đá ứng dụng, kể cả để dùng làm đồ trang sức.
Do đó, người dân nên tỉnh táo, dừng lại ngay việc đầu tư công sức đi đào loại đá này. Cơ quan chức năng cần làm rõ động cơ, mục đích của những kẻ buôn bán loại đá không có giá trị này để cảnh tỉnh người dân”, GS.TSKH Phan Trường Thị cho biết.
Theo GS.TS Phan Trường Thị, đá quý ở Việt Nam phân bổ chủ yếu ở vùng Đông Bắc Bộ, nhiều nhất là ở vùng Đông Khê, Thất Khê của Cao Bằng, Bắc Cạn, Yên Bái, những lưu vực sông suối của hệ thống sông Chảy và tả ngạn sông Hồng. Đá quý ở Việt Nam được hình thành từ những vùng núi đá vôi có các khối đá lớn nằm trong sườn núi, lâu ngày “bở” ra và thừa lại những hạt đá quý, có khi to bằng cả nắm tay. Chúng được phân bổ theo các thung lũng và hang đá, theo dòng suối nằm cùng với cuội, cát.
“Khả năng cao nhất mà đá quý xuất hiện là ở những lớp đá cuội nằm cạnh các dòng suối chảy ra từ thung lũng. Những mạch đá chứa đá quý nằm trong bồi tích của các dòng suối nhỏ”, GS.TSKH Phan Trường Thị.
Bảo Khánh