Nhóm nghiên cứu trong đó có TS Nguyễn Trung Minh, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã thực hiện một nghiên cứu về động vật không xương sống trong hang động núi lửa được tiến hành, nhằm xác định giá trị đa dạng sinh học hang động khu vực nghiên cứu và hoạt động của con người ảnh hưởng đến đa dạng sinh học hang động.
Kết quả nghiên cứu khu hệ động vật không xương sống hang động núi lửa khu vực Krông Nô đã ghi nhận được 240 cá thể, bao gồm 54 họ thuộc 7 lớp, 21 bộ. Trong đó, đã ghi nhận được 6 loài mới, đã công bố 1 loài, còn 5 loài đang chờ công bố. Các ghi nhận trong khảo sát cũng chỉ ra những khác nhau ấn tượng trong đa dạng loài và số cá thể giữa các vùng bị tác động bởi con người và vùng tự nhiên trong cùng một hang động. Những khu vực du lịch bị tác động mạnh bởi các hoạt động đi lại của con người đã hạn chế nơi ở của khu hệ động vật hang động. Một vài hang có sự xuất hiện của rác thải con người, ảnh hưởng lớn đến sự quần tụ của động vật hang động ở khu vực này. Hầu hết các loài mới cho khoa học đều được phát hiện tại khu vực tự nhiên.
Để bảo tồn loài, những khu vực còn tồn tại các quần thể sinh vật tự nhiên, cần nghiêm cấm việc con người ăn, uống trong các hang động và dọn sạch lượng rác thải lưu cữu trong hang vì những thức ăn thừa, rơi vãi và số rác thải này sẽ kéo theo các loài chuột và chúng sẽ tiêu diệt các loài động vật không xương sống trong hang. Giảm thiểu tiếng ồn trong các hang động nhằm hạn chế sự tác động đến các quần thể dơi và chim chuyên cư trú trong hang động, những quần thể này thải ra một lượng phân lớn, giúp duy trì sự đa dạng của quần xã côn trùng trong hang. Nếu không giảm được tiếng ồn, các quần thể dơi và chim này sẽ biến mất, kéo theo sự phá hủy của cả hệ sinh thái côn trùng chuyên sống dựa vào nguồn phân trong hang.