<p>Trong khoảng 30 năm thực hiện chính sách đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu hết sức khích lệ, đặc biệt là trong lĩnh vực giảm nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo tại Việt Nam đã giảm nhanh chóng từ 65% năm 1993 xuống còn 7% năm 2015. Sau khi áp dụng chuẩn nghèo mới cho giai đoạn 2016 - 2020, hiện tại Việt Nam còn khoảng 1,6 triệu hộ nghèo (chiếm 6,7%) và 1,3 triệu hộ cận nghèo (chiếm 5,3%) trên cả nước.</p> <p>Tuy nhiên, có một vấn đề được nhiều người quan tâm đó là tình trạng trục lợi chính sách, xung phong làm… người nghèo. Như tại kỳ họp thường vụ quốc hội mới đây, thảo luận việc thực hiện một nghị quyết về giảm nghèo bền vững [1], có đại biểu chỉ ra: thành quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, quá trình tổ chức, rà soát, bình xét hộ nghèo còn hạn chế do tình trạng nể nang hoặc trục lợi chính sách.</p> <p>Xung quanh câu chuyện này, đã có nhiều khía cạnh được “mổ xẻ”, nhiều giải pháp được đưa ra. Nhưng thiết nghĩ một trong những cách tiếp cận cần thiết là việc phân nhóm đối tượng và rà soát hạn chế về chính sách để có những điều chỉnh hợp lý.</p> <p><span>Nhóm không muốn thoát nghèo</span></p> <p>Người nghèo hay còn gọi là người sống trong nghèo khó ở Việt Nam hiện nay có thể được phân loại thành 3 nhóm đối tượng.</p> <p>Nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm người khuyết tật, người già, người bị bệnh hiểm nghèo, phụ nữ đơn thân, v.v… Đây là nhóm đối tượng đặc thù cần được nhà nước quan tâm, hỗ trợ thường xuyên và đặc biệt. Về cơ bản, các hỗ trợ thông qua các chính sách an sinh xã hội chỉ có thể giúp nhóm này đảm bảo được nguồn sinh kế cơ bản chứ không thể giúp họ thoát nghèo.</p> <p>Nhóm đối tượng có mong muốn vươn lên để thoát nghèo nhưng do thiếu kỹ năng, vốn đầu tư, hoặc không thể tiếp cận nguồn lực hay các dịch vụ công nên chưa có cơ hội để phát triển vươn lên. Bên cạnh các hỗ trợ từ nhà nước về an sinh xã hội để họ không phải “chạy ăn từng bữa” và có thời gian để nghĩ đến việc thoát nghèo, thì các chính sách và chương trình giảm nghèo hiện tại mà nhà nước đang triển khai được cho là vẫn sẽ phát huy hiệu quả để từng bước đưa nhóm người này ra khỏi tình trạng nghèo khó. </p> <table> <tbody> <tr> <td class="FmsArticleBoxStyle-Images image "><img alt="Đã có nhà nước lo, cứ yên tâm mà… nghèo?" src="https://khds.1cdn.vn/2018/10/08/da-co-nha-nuoc-lo-cu-yen-tam-ma-ngheo.jpg" title="Đã có nhà nước lo, cứ yên tâm mà… nghèo?" /></td> </tr> <tr> <td class="FmsArticleBoxStyle-Content image_desc">Hỗ trợ người nghèo phải làm sao cho bền vững? Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng</td> </tr> </tbody> </table> <p>Nhóm thứ ba chính là tất cả những ai còn lại trong diện người nghèo. Những người này không đau ốm, bệnh tật hay khuyết tật gì, họ hoàn toàn lành lặn, khỏe mạnh. Cái làm nên sự khác biệt của họ chính là không muốn thoát nghèo nên sẵn sàng “xung phong” làm người nghèo. Đối với họ, được làm người nghèo là một điều may mắn.</p> <p>Đây là nhóm được cho là mang đến nhiều thách thức và trở ngại ảnh hưởng đến hiệu quả và sự bền vững của các chương trình giảm nghèo của Việt Nam.</p> <p>Ngày nay, chuyện người dân xung phong và mong muốn được xếp loại hộ nghèo đang là một hiện tượng phổ biến ở bất kỳ tỉnh thành nào. Nhiều nơi, chính quyền địa phương thậm chí còn quay vòng giữa nhóm nghèo và cận nghèo để đảm bảo “hoa thơm mỗi người hưởng mỗi tý”. Chưa kể còn nhiều gian lận và thiếu minh bạch trong việc xếp loại hộ nghèo tại một vài nơi mà báo chí từng đưa tin.</p> <p><span>“Tiền nhà nước”, ai may thì ấm thân?</span></p> <p>Có thể thấy, chính sách hỗ trợ giảm nghèo ở nước ta hiện nay đang tồn tại một số bất cập, trong đó nổi lên hai vấn đề.</p> <p><span>Thứ nhất</span>, do chịu áp lực thành tích (như phải đáp ứng tiêu chí của chương trình nông thôn mới) nên việc xét loại hộ nghèo ở nhiều nơi đang bị ép chỉ tiêu, khiến ranh giới giữa nhóm hộ nghèo và cận nghèo và kể cả trung bình là khá mong manh.</p> <p>Nhờ các chính sách hiện hành, việc nằm trong danh sách hộ nghèo đối với nhiều người cũng giống như “chuột sa chĩnh gạo” – khi họ nhận được không ít ưu đãi, như hỗ trợ xây sửa nhà hay miễn phí bảo hiểm Y tế, v.v...</p> <div> <div> </div> </div> <p>Các ưu đãi này hiện vượt xa những gì mà khả năng kinh tế của các hộ thuộc nhóm xếp trên có thể chi trả. Điều này tạo nên sự bất bình đẳng trong mỗi cộng đồng và đẩy người dân vào sự so sánh thiệt hơn mà quên đi các giá trị tốt đẹp khác trong cộng đồng.</p> <p><span>Thứ hai</span>, sau rất nhiều nỗ lực và nhờ sự hỗ trợ đáng kể từ bạn bè quốc tế, người nghèo ở nước ta từ đa số chuyển thành thiểu số. Nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo ngày nay đã nhiều hơn và được tập trung vào ít đối tượng hơn.</p> <p>Mặt trái của câu chuyện này chính là nó không chỉ triệt tiêu phần nhiều các khát vọng tự lực vươn lên của dân chúng, mà còn khiến một đại bộ phận người dân vẫn nghĩ rằng các hỗ trợ kia là “tiền nhà nước”. Vì thế ai may hay biết cách thì được “ấm thân” và chả việc gì phải xấu hổ khi được nhận.</p> <p>Vấn đề này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước khác trên thế giới, ngay cả một nước như Mỹ. Như một số ý kiến cho rằng trong nhiều trường hợp “các hỗ trợ an sinh từ nhà nước khiến cho người nghèo trở nên bị động và khuyến khích họ ở lại với cái nghèo”.</p> <p>Còn tại Việt Nam, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua đã phải thốt lên: Không ở nơi nào mà người nghèo lại trở thành một vinh dự khi nhận được những ưu đãi, ưu tiên của nhà nước, được lãnh đạo tới thăm, mời lên sân khấu để trao quà như ở Việt Nam.</p> <p>Trên bình diện rộng hơn, tâm lý yên vị với cái nghèo vì đã có nhà nước hỗ trợ không chỉ dừng lại ở cấp độ cộng đồng. Nó còn xuất hiện trong tâm lý và chi phối phương châm quản lý, điều hành của lãnh đạo một số địa phương vốn được gọi là tỉnh nghèo, hay vùng khó khăn khi mặc nhiên thừa nhận vị thế nghèo, yếu của địa phương mình nhưng vẫn vô tư đầu tư xây dựng các công trình nghìn tỷ vì ngân sách đã có “Trung ương hỗ trợ”.</p> <p>Xung phong làm người nghèo hay vui vì được lọt vào danh sách hộ nghèo không đơn giản chỉ là câu chuyện của nhóm người nghèo trong phạm vi của các chương trình giảm nghèo. Những gì đang xảy ra trong lĩnh vực này có thể xem là góp phần không nhỏ khiến Việt Nam trở thành một quốc gia “không chịu phát triển” như nhận định của một số chuyên gia.</p> <p><span>Trần Văn Tuấn</span></p> <p>---</p> <p>[1] Báo cáo kết quả 2 năm thực hiện nghị quyết số 76/2014/QH13 của QH về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 (giai đoạn 2017-2018).</p> <div> </div>