Rác thải, khói xe, bếp than, bụi bẩn… là thủ phạm
Kết thúc cuộc họp bàn về giải pháp kiểm soát chất lượng không khí, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã khẳng định, phương tiện giao thông tăng cao, xả ra các chất ô nhiễm rất lớn; 60.000 hộ đang dùng bếp than tổ ong, hàng nghìn các công trình xây dựng “biến” Hà Nội và TPHCM thành những đại công trường.
Qua số liệu từ các trạm quan trắc ở Hà Nội, trạm quan trắc quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường, và trạm quan trắc của hai Đại sứ quán (ở TPHCM chưa có trạm quan trắc, phải đo tự động hai ngày một lần), thấy rằng, từ năm 2013-2019, các thành phần quan trắc, trừ bụi mịn thì các thông số khác như SO2, CO… cho thấy vẫn trong quy chuẩn cho phép, có những lúc chạm ngưỡng quy chuẩn, song không bị vượt quy chuẩn, thậm chí đối với thông số bụi hại cỡ lớn có thời điểm có xu hướng giảm.
Nguyên nhân của tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng thời gian qua có rất nhiều. Theo đó, phương tiện giao thông tăng cao, xả ra các chất ô nhiễm rất lớn. Theo thống kê, ở Hà Nội có khoảng 5,8 triệu xe máy, vài trăm nghìn ô tô, ở TPHCM phương tiện giao thông cũng rất lớn với 7,5 triệu xe máy… đó là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất. Thứ hai, theo Bộ trưởng, ở Hà Nội hiện nay có hơn 1.000 công trình đang xây dựng, vỉa hè, đường xá thì bị đào xới, TPHCM cũng vậy… đã biến hai thành phố này trở thành đại công trường, đó là tác nhân gây ô nhiễm rất lớn. Riêng TPHCM còn có hơn 900 nhà máy sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công cũng gây ô nhiễm.
“Ở Hà Nội có một số nguyên nhân đặc thù khác, đó là vấn đề đốt rơm rạ, đây là nguồn gây ô nhiễm theo mùa nhưng tác hại của nó là rất lớn. Bên cạnh đó, Hà Nội hiện có hơn 60.000 hộ đang dùng bếp than tổ ong. Cộng với việc đốt rác thải nguy hại ở ngoại thành Hà Nội đều khiến các chỉ số ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong những tháng cuối năm tăng cao”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết.
Phạt nguội những xe mang theo bùn đất
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị UBND Hà Nội trong thời điểm ô nhiễm vượt ngưỡng cần vừa công bố thông tin, vừa có giải pháp như phun nước nhiều lần trong ngày để hạn chế phát tán bụi, nếu cần thiết thì hạn chế phương tiện cá nhân đi qua một số tuyến phố để giảm áp lực về giao thông. Đặc biệt, Bộ trưởng TN&MT đưa ra giải pháp phân làn để hạn chế xe ngoại tỉnh “mượn đường” đi qua Hà Nội.
Về lâu dài, Bộ trưởng nhắc đến quyết định của Thủ tướng yêu cầu hoàn thiện cơ chế chính sách, Luật Bảo vệ môi trường và các luật liên quan. Lộ trình này ở TPHCM và Hà Nội phải đẩy nhanh hơn cả nước. Xe máy và ôtô hoạt động ở đây cũng phải có quy chuẩn cao hơn nhiều ở các địa phương và phải có cơ chế chính sách thực hiện nghiêm việc này.
Việc sử dụng xe cũ, không kiểm soát khí thải cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng gây nên tình trạng ô nhiễm không khí, tuy nhiên không thể cấm các phương tiện này mà đề xuất những người sử dụng xe cũ, xe có lượng khí thải cao phải có mức đóng góp lớn về phí chất thải hơn bình thường. Cùng với đó, cần kiểm soát chặt chẽ xe ở ngoài vào mang theo bùn đất và không đáp ứng vấn đề môi trường. Với những xe đổ chất thải ra đường phố có thể chụp ảnh và xử phạt nguội. Bộ GTVT phải nghiên cứu kỹ chính sách với xe nhập khẩu, xe mới phải sử dụng năng lượng sạch hoặc đáp ứng tiêu chuẩn khí thải Euro 6.
Bộ TN&MT khuyến cáo người dân chuyển sử dụng bếp than tổ ong sang các loại chất đốt khác. Hà Nội đã cam kết sẽ chuyển đổi các hình thức xử lý rác thân thiện với môi trường; vận động và hỗ trợ người dân chuyển đổi hình thức dùng bếp than tổ ong sang các loại chất đốt khác, dự kiến đến năm 2021 sẽ chuyển đổi xong. Bộ TN&MT cũng sẽ có chỉ đạo các UBND tỉnh, thành phố quanh Hà Nội có hoạt động nông nghiệp, tuyên truyền, hỗ trợ người dân không đốt rơm rạ; tuyệt đối không đốt chất thải nguy hại.