Cây dạ cẩm.
Dạ cẩm còn được gọi là cây loét mồm, đất lượt, đứt lướt, chạm khẩu cắm… Cây có tên khoa học là Oldenlandia eapitellata Kuntze, thuộc họ Cà phê Rubiaceae. Dạ cẩm có nhiều loại bao gồm dạ cẩm thân tím nhiều lông và dạ cẩm thân xanh, mọc hoang tại một số tỉnh miền núi nước ta như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Hà Nội…
Dạ cẩm là loại cây bụi trườn, thường cuốn vào các cây khác, dài từ 1 – 2m, thân hình trụ, chia làm nhiều đốt, ở mỗi đốt lại phình to ra. Lá dạ cẩm là lá đơn, nguyên, mọc đối, hình bầu dục, đầu nhọn, dài 5 – 15cm, rộng 3 – 6cm, cuống ngắn. Hoa dạ cẩm hình xim, phân đôi tụ lại thành hình cầu ở đầu cành hay kẽ lá, gồm nhiều hoa hình ống nhỏ, màu trắng. Quả dạ cẩm rất nhỏ, xếp thành hình cầu, có nhiều hạt đen.
Cây dạ cẩm dùng làm thuốc có thể thu hái quanh năm, thường hái lá và ngọn non hoặc dùng toàn cây bỏ rễ (rễ ít tác dụng hơn). Khi hái về phơi hay sấy khô dùng dần hoặc nấu cao.
Trong thành phần hóa học có chứa alcaloid, saponin và tanin, có tác dụng giảm đau, giúp liền sẹo nhanh, trung hòa dịch vị. Theo y học cổ truyền, dạ cẩm vị ngọt đắng, tính bình, có công dụng thanh nhiệt giải độc, chỉ thống, giải độc, tiêu viêm, lợi niệu. Khi bị viêm loét dạ dày có thể dùng:
Dạ cẩm 20-40g sắc uống.
Dạ cẩm 900 sắc kỹ, cô thành cao đặc, uống 20g mỗi ngày, chia 2 lần sáng và chiều.
Bột lá dạ cẩm khô 7kg, cam thảo 1kg, đường kính 2kg, hồ nếp vừa đủ, làm thành cốm, mỗi ngày uống 2 lần trước khi ăn hoặc khi đang đau, mỗi lần 10-15g. (4) lá dạ cẩm khô 7kg, đường kính 2kg, mật ong 1kg. Nấu lá dạ cẩm với nước thành 8kg cao, cho đường kính vào, đánh tan, cô còn 9kg, cuối cùng cho thêm mật ong, đóng chai dùng dần, mỗi ngày uống 2-3 lần, mỗi lần 1 thìa to (tương đương 10-15g) trước khi ăn hoặc khi đau.
Dạ cẩm 20g, lô hội 20g, nghệ vàng 12g, cam thảo 6g, mai mực 10g, sắc uống hằng ngày.
ThS Hoàng Khánh Toàn
(Chủ nhiệm khoa Y học cổ truyền, BV TƯQĐ 108)