Trước đó, bệnh viện tiếp nhận nam bệnh nhân L.H.N (67 tuổi, địa chỉ tại Khám Lạng, Lục Nam) trong tình trạng đau đầu vùng đỉnh chẩm, đau tức ngực, vã mồ hôi, phù hai chi dưới, tim đập không đều.
Theo người nhà kể lại, trước khi vào viện 02 giờ, bệnh nhân có biểu hiện đau đầu, chóng mặt, ngã đập đầu xuống giường, sau đó nôn nhiều, được gia đình đưa vào viện. Được biết, người bệnh đã chạy thận nhân tạo được 3 năm.
Tại khoa Cấp cứu, người bệnh được chuyển khoa Nội thận – Tiết niệu – Lọc máu tiếp tục điều trị - Ảnh BVCC |
Ngay sau khi vào khoa, bệnh nhân được thăm khám, làm các xét nghiệm cấp cứu và điện tim. Kết quả có biểu hiện của tăng kali máu. Nhận thấy đây là tình trạng tối cấp cứu ở bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối, các bác sĩ đã chỉ định dùng thuốc điều trị và nhanh chóng chuẩn bị lọc máu cấp cứu.
Trong thời gian chờ chuẩn bị máy lọc máu, người bệnh đột ngột ngừng tuần hoàn, mạch không bắt được, huyết áp không đo được. Kíp trực đã nhanh chóng nhận định bệnh nhân ngừng tuần hoàn và tiến hành cấp cứu theo phác đồ.
Sau 5 phút cấp cứu, bệnh nhân có mạch trở lại, tim đập trở lại và được đưa đến phòng điều trị thận nhân tạo lọc máu cấp cứu. 30 phút sau lọc máu, người bệnh bắt đầu có nhịp tim đều, giảm dần cho đến hết các biểu hiện của tăng Kali máu.
Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định, không đau ngực, nhịp tim đều, kết quả điện tim không còn dấu hiệu của tăng kali máu.
BS.CKII Nghiêm Tam Dương, Trưởng khoa Nội thận – Tiết niệu – Lọc máu cho biết: Tăng kali máu là tình trạng hay gặp ở bệnh nhân bệnh thận mạn đặc biệt là bệnh thận giai đoạn cuối do kali không được đào thải qua thận, chế độ ăn uống không hợp lý, lọc máu không đầy đủ, do sử dụng thuốc làm tăng kali máu, tình trạng nhiễm khuẩn,….
Vì vậy, khuyến cáo các bệnh nhân bệnh thận giai đoạn cuối cần tuân thủ chế độ ăn uống hợp lý, sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị, khi có dấu hiệu bất thường cần đến ngay cơ sở y tế có đội ngũ bác sĩ giàu chuyên môn và trang thiết bị y tế hiện đại để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.