Bệnh nhân H.Y. (sinh năm 1993, Thường Tín, Hà Nội) đến cấp cứu tại Bệnh viện Phổi T.Ư vào tối ngày 30/6/2021 trong tình tình trạng ho ra máu nhiều. Bệnh nhân được chẩn đoán mắc lao phổi, giãn phế quản, phế nang... được can thiệp nút mạch phế quản để giảm tình trang ho ra máu.
Sau khi nút mạch thành công, bệnh nhân không ho ra máu nữa và được chuyển về Khoa Lao hô hấp và được ra viện sau một tuần theo dõi. Nhưng ngày 18/7, chị Y. đột nhiên ho ra máu, số lượng lớn (200ml) và được chuyển lên bệnh viện cấp cứu khi thai được 34 tuần. Hội chẩn nội viện và ngoại viện với chuyên gia từ Bệnh viện Phụ sản T.Ư được tiến hành đồng thời và thống nhất mổ để cứu con ra và tiếp tục điều trị cho thai phụ.
Ca phẫu thuật do đội ngũ bác sĩ tại hai bệnh viện đã tiến thành công, cả mẹ và con đều an toàn. Bé gái nặng 1,8kg, đã được đưa về Bệnh viện Phụ sản T.Ư theo dõi và chăm sóc trong lồng kính. Chị Y. tiếp tục được điều trị tại Bệnh viện Phổi T.Ư.
BS Hoàng Tuấn, Khoa Lao hô hấp, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân cho biết, ho ra máu mức độ nặng nguy cơ tắc nghẽn là thể ho ra máu nhưng bệnh nhân không ho khạc ra được do nhiều nguyên nhân. Máu không ho khạc ra chảy vào lòng phế quản, phế nang gây lấp đầy sinh ra tình trạng suy hô hấp.
Khó khăn lớn nhất đối với một bệnh nhân ho ra máu là khó tiên lượng được thời gian và lượng máu sẽ ho ra là bao nhiêu. Bệnh nhân Y. đang mang thai (thai 31 tuần) nên khi ho ra máu như vậy, không khai thông đường thở gấp cụ thể là đặt nội khí quản thở máy, hút máu trong đường thở ra sẽ có nguy cơ ngưng tuần hoàn, ngưng tim, nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Vấn đề suy hô hấp là một vấn đề nguy hiểm, các bác sĩ đã chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống xấu là bệnh nhân sẽ bị ho ra máu số lượng lớn trong quá trình phẫu thuật: các bác sĩ sẽ tiến hành đặt nội khí quản hai nòng, cô lập đường thở để ngăn máu tràn ngập đường thở cả hai bên. Nhưng may mắn, điều đó đã không xảy ra, ca phẫu thuật rất thành công, sức khỏe cả mẹ và con tới thời điểm hiện tại đều ổn định.