Thai nhi bị đe dọa tính mạng vì hết ối, chậm tăng trưởng
Thông tin từ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, chị Lê Thị Phương mang thai lần đầu, đến khám tại Trung tâm Can thiệp bào thai - Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội khi thai nhi được 23 tuần 6 ngày với nhiều vấn đề phức tạp: thai chậm tăng trưởng trong tử cung, ruột non tăng âm vang và tình trạng hết ối nghiêm trọng, thêm vào đó mẹ còn bị viêm gan B. Đây là một tình huống rất khó khăn, đe dọa đến sự phát triển của thai nhi.
Các bác sĩ tại Trung tâm đã thăm khám cẩn thận, thực hiện các xét nghiệm cần thiết để loại trừ các nguyên nhân khác như rỉ ối, vỡ ối và đánh giá tình trạng của người mẹ. Sau khi xác định chị Phương đủ điều kiện sức khỏe, ekip can thiệp bào thai của TS.BS Phan Thị Huyền Thương đã tiến hành truyền ối vào buồng tử cung.
![]() |
Thai nhi 26 tuổi đã chào đời khỏe mạnh nhờ truyền ối - Ảnh BVCC |
Đây là một kỹ thuật quan trọng giúp bổ sung lượng nước ối bị thiếu hụt, tạo môi trường tốt hơn cho thai nhi phát triển. Sau 3 ngày truyền ối, sức khỏe của mẹ và thai nhi ổn định, chị Phương được xuất viện và tiếp tục được theo dõi, tái khám định kỳ tại Trung tâm.
Trong suốt thai kỳ, chị Phương luôn nhận được sự đồng hành, hướng dẫn tận tình về chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, sử dụng thuốc và lịch trình thăm khám từ các bác sĩ. Đến tuần thai thứ 36, tình hình trở nên phức tạp hơn với chẩn đoán thai chậm tăng trưởng giai đoạn I, ruột non tăng âm vang, tim to, dây rốn xoắn và mẹ có dấu hiệu tăng huyết áp theo dõi tiền sản giật.
Nhận thấy nguy cơ cho cả mẹ và bé, các bác sĩ đã quyết định mổ lấy thai. Một em bé khỏe mạnh nặng 1800g đã chào đời, mang lại niềm hạnh phúc vô bờ bến cho gia đình chị Phương và cũng là niềm vui lớn cho đội ngũ y bác sĩ của Trung tâm Can thiệp bào thai.
Đây là một trong rất nhiều ca sinh sau điều trị truyền ối mà Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội đã thực hiện thành công, cứu sống nhiều em bé bị thiểu ối.
Nguy cơ thai dị tật, chết lưu do thiểu ối
Các bác sĩ Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, nước ối là chất lỏng bao quanh thai nhi, là môi trường để thai phát triển trong suốt quá trình ở trong bụng mẹ. Nước ối có nguồn gốc từ thai nhi, do sự bài xuất nước tiểu được lặp đi lặp lại tạo ra một lượng nước ối phù hợp.
Nước ối có vai trò rất quan trọng giúp bảo vệ em bé khỏi bị chấn thương khi ở trong bụng mẹ, là môi trường vô khuẩn cho em bé tránh được các nhiễm trùng ở phổi, dinh dưỡng cho bào thai, giúp cho em bé có thân nhiệt thích hợp.
Thiểu ối là thai phụ có lượng nước ối ít hơn bình thường. Ở môi trường này, em bé không được phát triển bình thường và gặp các nguy cơ như: thai chậm lớn, thai biến dạng mặt, chân tay, ngôi thai bất thường,...Hậu quả nặng nề nhất là thiểu ối ảnh hưởng đến quá trình trao đổi tuần hoàn giữa bánh rau và bào thai bị dừng, dây rốn bị ép chặt lại dẫn đến thai lưu.
Theo thống kê có tới 4-5% thai phụ có nguy cơ rơi vào tình trạng thiểu ối. Trước đây, những ca này, các thai phụ được tư vấn nên uống nước, nghỉ ngơi nhiều hoặc được điều trị bằng cách truyền dung dịch sinh lý nhằm tăng cường tuần hoàn tử cung rau.
TS.BS Phan Thị Huyền Thương, có nhiều nguyên nhân thiểu ối:
- Rỉ ối, vỡ ối trước chuyển dạ: Do màng ối bị rách gây nước ối thoát ra ngoài từ đó dẫn đến thiểu ối. Việc chẩn đoán rỉ ối, vỡ ối dựa trên khai thác triệu chứng ra nước, ra dịch âm đạo, bệnh nhân cần được bác sỹ thăm khám, test kiểm tra nước ối trong dịch âm đạo, xét nghiệm máu để đánh giá tình trạng nhiễm trùng .
- Chức năng tử cung - bánh nhau bị suy giảm.
- Bất thường hệ tiết niệu của thai nhi.
- Bất thường nhiễm sắc thể thai nhi.
Thiểu ối ở mỗi giai đoạn khác nhau của thai kỳ có những nguy cơ khác nhau: Thiểu ối trong 3 tháng đầu nguy cơ sảy thai cao chiếm 65-80%; Thiểu ối 3 tháng giữa nguy cơ dị tật thai cao và thiểu ối trong 3 tháng cuối có nguy cơ thai suy dinh dưỡng cao.
Kỹ thuật truyền ối tinh vi mẹ có thể theo dõi con trong can thiệp
Các chuyên gia cho biết, trước kia chưa có các kỹ thuật can thiệp trực tiếp vào bào thai thì người mẹ chỉ có thể tăng cường uống đủ nước, truyền dịch vào tĩnh mạch, tuy vậy, những phương pháp này không đạt hiệu quả cao, chỉ giải quyết được vài phần trăm.Vì thế, trong những trường hợp này bác sĩ sẽ khuyên nên chấm dứt thai kỳ sớm để tránh tình trạng thai lưu.
Khi có kỹ thuật truyền ối, các bác sĩ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã cứu được rất nhiều em bé bị bó chặt trong tử cung như hút chân không, em bé gần như không cử động được, tuần hoàn của em bé đảo ngược, suy tim đứng trước ngưỡng của thai lưu.
Khi truyền ối, người mẹ hoàn toàn có thể theo dõi trực tiếp các cử động của con thông qua máy siêu âm. Kỹ thuật này giúp bổ sung nước ối cho thai bằng cách truyền dịch vô khuẩn. Khi vấn đề ít nước ối được giải quyết, em bé như “cá gặp nước” có thể cử động, hệ tuần hoàn, hệ tiêu hóa hoạt động trở lại.
Các bà mẹ đang ở trong tình trạng bụng cứng căng do ít ối thì truyền ối vào bụng sẽ mềm hơn.
Kỹ thuật này góp phần giữ em bé đến lúc có thể nuôi được ở bên ngoài. Hiện tại, tỷ lệ thành công của việc sử dụng kỹ thuật này để kéo dài tuổi thai lên đến 87%, các chỉ số sơ sinh của các bé được sử dụng kỹ thuật này đều bình thường.
Kĩ thuật truyền ối đang sử dụng loại kim nhỏ nhất thế giới, để khi vào kim không làm tổn thương đến thai nhi và đường vào kim rất nhỏ, không gây tụ máu, bầm máu và nguy hiểm cho thai nhi. Đến thời điểm hiện tại các bác sĩ chưa ghi nhận ca truyền ối nào thất bại.