BSCKII. Vũ Thị Dung- Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, người tiếp nhận và xử trí trường hợp của sản phụ H. cho biết: sản phụ lúc nhập viện ngày 13/4/2022 với huyết áp là 170/100mmHg, phù hai chân cùng chỉ số đường huyết rất cao, chỉ số BMI là 38.4. Người bệnh được chẩn đoán Tiền sản giật nặng trên nền tăng huyết áp, đái tháo đường Tuyp 2, béo phì.
Ngoài ra, sản phụ H. có bệnh tăng huyết áp, tiểu đường đã được quản lý, điều trị ngoại trú. Nhờ vậy mà tình trạng đã được kiểm soát tránh được các biến chứng do tiền sản giật trong kỳ cuối của thai kỳ.
Sau khi hội chẩn các bác sĩ quyết định điều trị nội khoa để điều chỉnh huyết áp, chỉ số đường huyết của người bệnh cho ổn định và sẽ tiến hành mổ lấy thai ngay khi có thể. Bởi theo bác sĩ nếu tiến hành phẫu thuật ngay lập tức sẽ tiềm ẩn rất nhiều rủi ro thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng của cả 2 mẹ con sản phụ.
Ngay khi các chỉ số ở ngưỡng cho phép, các bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật chủ động lấy thai cho sản phụ. Bằng sự tính toán kĩ lưỡng và sự chuẩn bị chu đáo về mọi diễn biến có thể xảy ra trong quá trình phẫu thuật, sau khoảng hơn 1 giờ, ca phẫu thuật đã diễn ra an toàn. Hiện tại sức khỏe 2 mẹ con sản phụ sau phẫu thuật ổn định. Sản phụ đang được các bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng tư vấn để điều chỉnh chế độ ăn hợp lý.
Theo các bác sĩ, tiền sản giật gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé trong khi sinh, như làm tăng nguy cơ sinh non, sinh con thiếu cân, mẹ bầu có thể co giật, mất ý thức, hôn mê nguy hiểm đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Bên cạnh đó các sản phụ cũng cần lưu ý về chế độ dinh dưỡng với mức tăng cân phù hợp với các thời điểm của kỳ thai, kiểm soát huyết áp, đường huyết. Khi xuất hiện các bất thường cần đi khám để nhận được tư vấn từ phía các bác sĩ.