Ngày 17/2/2019 bệnh viện 19-8 tiếp nhận bệnh nhân Nguyễn Khắc T. 53 tuổi sau uống rượu tự đâm vào mình, được người nhà đưa vào phòng cấp cứu, trong tình trạng sốc mất máu, huyết áp tụt kẹt, tiếng tim không nghe được, mạch nhanh nhỏ khó bắt, da niêm mạc nhợt. Vết thương 2 cm bờ trong vú trái.
Bệnh nhân khẩn trương đưa lên phòng mổ, phẫu thuật tức thì mở ngực giải phóng ép tim, phát hiện thương tổn vết thương phổi trái, 2 vết thương tâm thất trái vùng gần xoang tĩnh mạch và đỉnh tim, thấu xuống bụng qua cơ hoành. Kíp phẫu thuật đã tiến hành khâu 2 vết thương tim đồng thời mở bụng kiểm soát thương tổn, hồi sức tim, khâu phổi, khâu cơ hoành, kiểm tra tổn thương ổ bụng...
Sau hơn 2h phẫu thuật tim đã đập trở lại. Bệnh nhân đã được truyền máu hồi sức hiện tại đã tỉnh đang điều trị tích cực tại khoa ngoại.
BS Nguyễn Mạnh Trường, Phó trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Bệnh viện 19-8 chia sẻ, vết thương tim là một thể thương tổn rất nặng và ít gặp của vết thương ngực hở (khoảng dưới 5%). Được coi là một tối cấp cứu trong ngoại khoa, vết thương tim cần được ưu tiên số một trong chẩn đoán, vận chuyển và xử lý.
Trước kia do sử dụng súng, đạn trong chiến tranh nên dẫn đến bệnh, ngày này thấy nguyên nhân bạch khí trong tai nạn bạo lực (dao, mũi kéo, que sắt nhọn, kiếm …) chiếm tới gần 100%. Đối với vết thương tim do bạch khí, nếu bệnh nhân còn sống khi đến bệnh viện, thì chẩn đoán không quá khó và phẫu thuật cấp cứu khâu vết thương tim mang lại kết quả tốt cho trên 90% số bệnh nhân.
Hầu hết các tình huống vết thương tim gặp trên lâm sàng đều nằm ở nhóm bệnh nhân còn sống khi đến bệnh viện, tức đa số là ở thể ép tim cấp. Sau bị thương có thể có thoáng ngất rồi tỉnh lại, xuất hiện đau tức ngực dữ dội, khó thở, liên tục và tăng dần. Đến bệnh viện trong tình trạng vật vã, kích thích, đau ngực và khó thở dữ dội. Dấu hiệu thực thể: Vị trí lỗ vào vết thương nằm ở vùng nguy hiểm của tim; Mặt tím, tĩnh mạch có nổi, gan to và phản hồi gan-tĩnh mạch cổ; Huyết áp tối đa động mạch giảm và kẹt (khoảng cách tối đa-tối thiểu giảm); Huyết áp tĩnh mạch trung ương tăng (điển hình > 15 cmH20)… Những chấn thương này thời gian cấp cứu quyết định sự sống còn của bệnh nhân.