Nhảy sông tự tử vì trầm cảm
Vào 21 giờ ngày 15/9/2018, TTYT Đoan Hùng tiếp nhận bệnh nhân Trần Đình A, sinh năm 1998, xã Nhữ Hán, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang nhập viện trong tình trạng khó thở, ho có bọt màu hồng, da niêm mạc nhợt, không tiếp xúc được… do bị đuối nước.
Theo người nhà kể lại, anh A có tiền sử bị trầm cảm. Hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, gia đình đã đưa anh A đi chạy chữa bệnh trầm cảm ở nhiều nơi nhưng bệnh vẫn chưa thuyên giảm.
Vào khoảng 8h tối, người dân xã Nghinh Xuyên, Đoan Hùng, Phú Thọ phát hiện anh A nhảy xuống sông Chảy đoạn qua Nghinh Xuyên tự tử liền hô hoán và vớt được anh A đưa vào bờ.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, khoa Cấp cứu – Hồi sức tích cực – Chống độc đã nhanh chóng cấp cứu cho bệnh nhân, cho thở máy, hút đờm, đặt xông dạ dày, thông tiểu… Nhờ sự cấp cứu kịp thời, bệnh nhân đã qua khỏi cơn nguy kịch.
Tuy nhiên, do bị ngạt nước nên bệnh nhân đã bị viêm phổi nặng, tình hình diễn biến phức tạp, bị sốt cao liên tục, kéo dài, cơ thể mệt mỏi, ho nhiều…
Nắm được hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân, lãnh đạo TTYT và khoa CC – HSTC – CĐ đã trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu các y bác sỹ tập trung chăm sóc, giúp đỡ cho bệnh nhân và gia đình trong quá trình điều trị.
Trầm cảm, bệnh nhiều người mắc nhưng ngại thừa nhận
Mới đây, chị Trần Phương T. (SN 1993, ở Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) đã bỏ nhà đi và ôm theo cô con gái nhỏ 7 tháng tuổi. Theo người thân của chị T sau khi sinh con được 4 tháng, chị T. có dấu hiệu trầm cảm, thay đổi tính cách và không nói chuyện với mọi người trong nhà.
Đến ngày 25/9, người thân đã tìm được thi thể của chị T. ở khu vực sông Hồng, phường Lĩnh Nam, Hà Nội còn cháu bé chưa rõ tung tích.
Theo chuyên gia tâm lý, TS Lê Minh Công, trầm cảm là một bệnh lý vô cùng phức tạp và nhiều nghiên cứu được tiến hành để xác định chính xác nguyên nhân. Có thể kể đến một số nhân tố gây nên bệnh trầm cảm, bao gồm đặc tính di truyền, mức độ nội tiết tố, yếu tố kịch phát từ môi trường, thuốc men, cú sốc về tâm lý…
Mỗi người có thể trải qua các cảm giác trầm cảm khác nhau. Nhưng nếu như có các triệu chứng này xảy ra từ hai tuần trở lên, thì cần cân nhắc, bởi có thể đó là dấu hiệu của bệnh trầm cảm.
Các triệu chứng đó là: Cảm thấy buồn, muốn khóc, trống rỗng, tuyệt vọng. Thay đổi thói quen ăn uống. xuống cân, không muốn ăn hoặc ngược lại, thèm ăn kèm tăng cân. Thay đổi giấc ngủ,ngủ quá nhiều hoặc luôn cảm thấy thiếu ngủ, ngủ không đủ. Luôn cảm thấy mệt mỏi, không thấy có động lực để làm bất cứ chuyện gì. Mất hứng thú với những người hoặc những việc đã từng mang lại niềm vui. Cảm thấy chai sạn, không cảm xúc. Dễ bị kích động hay nổi nóng. Cảm thấy mình làm gì cũng không đủ tốt.
Sử dụng đồ uống có cồn hoặc chất gây nghiện. Chìm đắm, dành quá nhiều thời gian trên Internet. Không thể tập trung, suy nghĩ, hoặc lên kế hoạch, đầu óc trong trạng thái lơ mơ. Không quan tâm tới sức khỏe cũng như hình dáng bên ngoài. Luôn ám ảnh đến việc trốn chạy, hoặc đào thoát khỏi hoàn cảnh
Đặc biệt là luôn có suy nghĩ đến cái chết hoặc tự tử, có ý tưởng về cách kết thúc đời mình.
Đi kèm đó là những triệu chứng về thể chất không đáp ứng điều trị, như là đau đầu, rối loạn tiêu hóa, và đau cổ và lưng mạn tính.
Viện Sức khỏe tâm Thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Theo các BS, các yếu tố gây stress, nếu kéo dài, sẽ gây đến tình trạng trầm cảm, chiếm đến 35% trong các trường hợp bị rối loạn tâm thần. Nhiều người còn lo ngại nếu mình bị bệnh sẽ ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội xung quanh, vì vậy, nhiều người chọn cách giấu bệnh, không đi khám chữa..., dẫn tới tỷ lệ đi khám các bệnh tâm thần rất thấp.