Cựu Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Phạm Quang Vinh. |
Dự báo “bức tranh” nước Mỹ dưới thời Joe Biden
PV: Thưa Đại sứ Phạm Quang Vinh, ông có nhận định gì về cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vừa qua và chiến thắng của Tổng thống đắc cử Joe Biden ảnh hưởng gì tới chính sách của Mỹ sắp tới?
ĐS Phạm Quang Vinh:
Thực tế, trong thời điểm hiện nay, dù ai lên nắm quyền đều sẽ phải đối mặt với những vấn đề rất nghiêm trọng, rất nhiều thách thức, do nước Mỹ và thế giới đang phải trải qua cuộc khủng hoảng kép. Cuộc bầu cử cũng làm lộ ra trong lòng nước Mỹ có sự phân hóa về chính trị và xã hội khá lớn. Đó là những vấn đề nội bộ mà Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ phải đối diện ngay sau khi nhậm chức và phải vượt qua dù có nhiều khó khăn như:
Thứ nhất, đại dịch Covid-19 đến nay vẫn hoành hành và kéo theo đó là tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn. Giải quyết những vấn đề trên không hề đơn giản, bởi dù hiện nay đã có văcxin nhưng việc sử dụng văcxin ra sao để tạo hiệu quả kiểm soát dịch và mở cửa xã hội, mở cửa nền kinh tế là bài toán khó.
Thứ hai, quan điểm về phát triển kinh tế và xã hội giữa Dân chủ và Cộng hòa có nhiều khác biệt. Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh hơn vào tạo việc làm, phát triển sản xuất, phát triển kinh tế, từ đó giảm bớt gánh nặng về ngân sách của chính phủ và xã hội. Việc tập trung đầu tư, giảm bớt những quy định bắt buộc và giảm thuế với các doanh nghiệp lớn tạo ra thêm nhiều việc làm, giúp tăng thu nhập của lao động, từ đó giảm bớt chi phí cho an sinh xã hội. Trong khi đó, đảng Dân chủ của Joe Biden chắc chắn sẽ tăng phúc lợi xã hội, bao gồm cả y tế, giáo dục, môi trường thì sẽ phải tăng thêm thuế. Joe Biden đã tuyên bố sẽ đánh thuế lên các công ty lớn và những người có thu nhập cao từ 400.000USD trở lên. Các điều kiện đối với sản xuất tăng lên (tiêu chuẩn về môi trường, chống biến đổi khí hậu, năng lượng sạch) kéo theo chi phí tăng. Việc thực hiện được những điều nói trên lại phụ thuộc nhiều vào những vấn đề khẩn cấp trước mắt là phòng dịch và phục hồi kinh tế.
Ngày 5/1/2021 Đảng Dân chủ giành hết 2 ghế ở bang Georgia, rộng đường kiểm soát Thượng viện. Tuy nhiên, nếu nhìn vào cấu trúc quyền lực nước Mỹ sau bầu cử thì có thể thấy Nhà Trắng, Hạ viện và Thượng viện đều do Dân chủ kiểm soát. Dù Tòa án Tối cao gần với Cộng hòa hơn, song câu chuyện về kiểm soát dịch bệnh, phục hồi nền kinh tế, gói cứu trợ cũng phụ thuộc rất lớn vào cấu trúc quyền lực. Chính vì vậy, chính quyền Joe Biden sắp tới sẽ có thuận lợi nhất định trong việc thúc đẩy các chính sách để giải quyết những vấn đề nóng nói trên.
Còn về chính sách đối ngoại thì sao thưa ông?
Về đối ngoại, bất kỳ Tổng thống nào của Mỹ cũng đều theo đuổi 2 mục tiêu là lợi ích và vai trò toàn cầu của Mỹ. Tổng thống Barack Obama cũng vậy, Tổng thống Donald Trump cũng thế và Tổng thống đắc cử Joe Biden chắc chắn cũng phải thực hiện. Nhưng cách tiếp cận và nhìn nhận vấn đề sẽ không giống nhau. Sự khác biệt của ông Joe Biden có thể khái quát trong mấy điểm: Ông Joe Biden sẽ trở lại ngoại giao truyền thống và tham vấn với đối tác, đồng minh nhiều hơn; coi trọng nhiều hơn các hệ giá trị bao gồm cả dân chủ, nhân quyền, môi trường, lao động, biến đổi khí hậu; coi trọng hơn các cơ chế và biện pháp đa phương. Như vậy, cách tiếp cận của Joe Biden là không chỉ sử dụng các đồng minh, đối tác mà sử dụng cả các thể chế, cơ chế, tổ chức đa phương nhiều hơn. Đi vào cụ thể, có những việc ông Joe Biden có thể làm được ngay nhưng có những việc cũng phải đối diện với tình hình thực tế đã thay đổi rất nhiều so với thời 4 năm trước.
Cụ thể, ông Joe Biden có thể đưa Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, trở lại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổ chức ứng phó với đại dịch mà Tổng thống Donald Trump đã đình chỉ vai trò thành viên của nước Mỹ. Các vấn đề ông Joe Biden không thể giải quyết ngay gồm Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA). Cả Mỹ và Iran đều đã tuyên bố đình chỉ thực hiện JCPOA. Mỹ đã tái áp dụng các biện pháp cấm vận Iran và nước này cũng tuyên bố không bị ràng buộc bởi JCPOA nên Mỹ sẽ không đơn giản để quay trở lại. Cạnh tranh Mỹ - Trung cũng sẽ là một khó khăn đối với Joe Biden khi giữa 2 bên hiện nay lòng tin chiến lược rất thấp. Cách quản trị của Joe Biden ổn định hơn và không khó lường như Tổng thống Donald Trump nhưng quản trị có hiệu quả hay không lại là vấn đề khác. Tương tự như vậy, vấn đề Trung Đông hiện nay cũng đã rất khác, đòi hỏi cách tiếp cận mới.
Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ tiếp tục can dự vào châu Á - Thái Bình Dương nhưng cách ứng xử ra sao vẫn còn là vấn đề chưa được làm rõ, bởi vì tình hình khu vực đã có nhiều thay đổi. Chắc chắn với cách tiếp cận tham vấn đồng minh và đa phương, ASEAN sẽ được coi trọng nhiều hơn. Về câu chuyện Biển Đông, nước Mỹ luôn quan tâm đến vấn đề tự do hàng hải và trật tự ở khu vực, vì vậy, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ quan tâm nhiều tới Biển Đông. Quan điểm này nhận được sự ủng hộ của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa. Joe Biden có thể sẽ nhấn nhiều hơn tới luật pháp quốc tế, nhất là Công ước quốc tế về Luật Biển (UNCLOS 1982), Phán quyết ngày 12/7/16 của Tòa Trọng tài thường trực (PCA). Mỹ cũng sẽ bác bỏ một cách rõ ràng yêu sách quá mức của Trung Quốc về “đường lưỡi bò” và thể hiện sự ủng hộ mạnh hơn với quyền của các quốc gia ven biển đối với vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế hợp pháp của mình.
Đâu là điểm khác biệt lớn nhất trong quan điểm về đối ngoại giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống đắc cử Joe Biden là gì, thưa ông?
Ông Donald Trump và ông Joe Biden giống 2 mặt của trang giấy hoặc 2 mặt của 1 đồng tiền bởi họ cùng vì lợi ích của nước Mỹ, cùng nhấn mạnh vai trò toàn cầu của Mỹ và quan hệ của Mỹ với thế giới. Khác biệt lớn nhất giữa 2 người là cách tiếp cận. Tổng thống Donald Trump là người dám vượt qua những điều cấm kỵ để theo đuổi những mục tiêu của mình, chẳng hạn như gặp lãnh đạo Triều Tiên; tiến hành chuyến thăm dài 12,5 ngày đến châu Á (tháng 11/2017), trong đó có Việt Nam và dự APEC. Chuyến thăm vượt qua rào cản về mặt thời gian và lễ tân, vượt qua mọi suy nghĩ của cấp dưới. Còn ông Joe Biden nhấn mạnh các giá trị và ổn định chiến lược. Một bên nhiệt huyết hơn, dám vượt qua những điều bất ngờ và cấm kỵ, sử dụng cách tiếp cận thông quan song phương để khẳng định vai trò toàn cầu của Mỹ. Một bên trầm tĩnh hơn và nhấn mạnh cả quan hệ song phương và đa phương.
Ấn tượng của tôi với Tổng thống đắc cử Joe Biden là trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Mỹ, tháng 7/2015, thời điểm đó Barack Obama là Tổng thống và Joe Biden là Phó Tổng thống. Ông Joe Biden là người đứng ra tổ chức tiệc chiêu đãi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và đã nhấn mạnh chuyến thăm của Tổng Bí thư mở ra một chương mới trong quan hệ giữa 2 nước. Ông Joe Biden có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực chính trị, là một người điềm tĩnh, chiến lược và rất hòa nhã, cởi mở.
Sẽ nhiều thuận lợi hơn là thách thức
Theo ông, sau khi Tân Tổng thống Mỹ nhậm chức, chính quyền Joe Biden sẽ có góc nhìn như thế nào đối với quan hệ Việt - Mỹ, thưa ông?
Nếu nhìn quá trình phát triển 25 năm qua, quan hệ Việt - Mỹ đã phát triển liên tục từ thấp đến cao và cả trên chiều rộng lẫn chiều sâu. Trong 25 năm qua, nước Mỹ đã trải qua nhiều đời tổng thống cả dân chủ và cộng hòa, từ Bill Clinton đến George Bush, cho đến Obama, Donald Trump, sắp tới là Joe Biden, quan hệ giữa 2 nước cho thấy được xây dựng trên một nền tảng rất vững chắc. Thứ nhất, hai nước có quan hệ đan xen về lợi ích cả về kinh tế, chính trị, ngoại giao, an ninh. Lấy ví dụ về kinh tế, nếu vào những năm 94, 95 khi bỏ cấm vận và 2 nước bình thường hóa quan hệ, kim ngạch thương mại song phương chưa đầy nửa tỷ USD.
Hiện nay, con số này năm 2020 đã là khoảng 75 tỷ USD, tức gấp 150 lần. Thứ hai, 2 nước đã có những khuôn khổ hợp tác trên nhiều lĩnh vực trong đó có Tuyên bố về quan hệ đối tác toàn diện năm 2013, trên cả lĩnh vực ngoại giao, kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học, giáo dục, giao lưu nhân dân, quốc phòng… Tuyên bố đó được đưa ra khi Barack Obama và Joe Biden đang cầm quyền. Điểm thứ ba rất quan trọng là 2 nước có những nguyên tắc để chỉ đạo quan hệ, đó là không chỉ cùng có lợi mà còn là tôn trọng thể chế của nhau. Điều này có thể thấy rõ trong chuyến thăm tháng 7/2015 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi Mỹ đón tiếp người đứng đầu Đảng ta bằng nghi thức dành cho một nguyên thủ quốc gia. Điều này như một sự ngầm thừa nhận thể chế chính trị của Việt Nam. Với chính quyền Joe Biden, các giá trị dân chủ nhân quyền có thể sẽ được nhấn mạnh hơn thời Tổng thống Donald Trump.
Tuy nhiên, rõ ràng trong thời kỳ Barack Obama và Joe Biden cầm quyền, hai nước đã có những kênh đối thoại về dân chủ, nhân quyền. Joe Biden cũng có thể sẽ tập trung vào vấn đề chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, 2 vấn đề song trùng với lợi ích của Việt Nam. Dù chính quyền mới của Mỹ sẽ có những ưu tiên khác với chính quyền cũ song Việt Nam và Mỹ đủ năng lực để quản trị những điểm khác biệt.
Với những lợi ích đan xen, chắc chắn quan hệ song phương Việt - Mỹ sẽ tiếp tục phát triển dưới thời Joe Biden. Ngoài ra, Việt Nam cũng là quốc gia có vị thế trong khu vực và ngày càng hội nhập với quốc tế, Mỹ sẽ cần đến vị thế cũng như vai trò của Việt Nam về địa chính trị trong khu vực này. Nếu Mỹ quan tâm tới khu vực, tới ASEAN, chắc chắn Mỹ sẽ coi trọng quan hệ với Việt Nam.
Việt Nam có những thuận lợi, khó khăn gì trong việc duy trì và phát triển quan hệ với Mỹ dưới thời ông Joe Biden?
Chắc chắn là thuận sẽ nhiều hơn rất nhiều vì những lý do quan hệ Việt - Mỹ đã được xây dựng từ 25 năm qua, vượt qua một chặng đường rất dài, từ kẻ thù, nghi kỵ lẫn nhau trở thành đối tác toàn diện và phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay tại Mỹ, Việt Nam đã có rất nhiều bạn bè trong chính giới, quốc hội, học giả, doanh nghiệp và các tầng lớp khác, đặc biệt là cựu binh. Đây là điểm rất thuận lợi cho Việt Nam khi tổ chức các sự kiện lớn với phía Mỹ.
Thứ hai là vấn đề về lợi ích đan xen. Việt Nam có lợi ích cả về kinh tế và địa chiến lược với Mỹ và ngược lại Mỹ là đối tác hàng đầu của Việt Nam. Do đó, xuất phát từ việc cùng có chung lợi ích, cả Mỹ và Việt Nam chắc chắn sẽ thúc đẩy quan hệ thời gian tới. Việt Nam cần tiếp tục theo dõi những ưu tiên chiến lược về đối ngoại của chính quyền Joe Biden để nhân lên điểm đồng và quản trị điểm khác biệt. Một điểm quan trọng khác, trong thời kỳ Joe Biden làm Phó Tổng thống, quan hệ Việt - Mỹ đã có những bước tiến vượt bậc. Điển hình là việc Mỹ tiếp đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nghi thức dành cho người đứng đầu thể chế chính trị của Việt Nam chính là sự công nhận cao nhất nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của Mỹ đối với Việt Nam.
Với thực trạng quan hệ Việt - Mỹ thời gian vừa qua сũng như với những định hướng về những ưu tiên của nước Mỹ mà Joe Biden đã đưa ra, điểm đồng trong quan hệ Việt - Mỹ sắp tới chắc chắn nhiều hơn những điểm khác biệt.
Tận dụng cơ hội và tránh rủi ro
Việt Nam được đánh giá là nước có nền kinh tế mở vừa qua có nhiều ký kết hiệp định thương mại với các nước, vậy cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ có ảnh hưởng gì đối với các chính sách, hiệp định, như EVFTA, UKVFTA?
Nước Mỹ trong bất kỳ thời kỳ nào, bao gồm cả thời kỳ Joe Biden cũng rất cần khu vực châu Á - Thái Bình Dương, cả về địa chiến lược (tức là an ninh) và địa kinh tế. Như trên đã phân tích, gần đây, Mỹ đang có xu hướng gắn kết và nhấn mạnh hơn với các vấn đề an ninh ở khu vực này. Về kinh tế, sau khi rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Mỹ đã để lại một khoảng trống và chính quyền Joe Biden sẽ phải lấp đầy. Khó có khả năng Mỹ khôi phục một TPP, nhưng chắc chắn, Mỹ phải tìm cách gắn kết lợi ích kinh tế với khu vực này, xuất phát từ nhu cầu của Mỹ không chỉ về kinh tế mà còn về yếu tố địa chiến lược. Nguyên nhân thứ hai khiến Mỹ phải gắn kết kinh tế với khu vực, trong đó có Việt Nam là do thời gian qua, Việt Nam duy trì chính sách hội nhập, mở cửa nền kinh tế.
Việt Nam đã có thể hội nhập với tiêu chuẩn của thế giới và được thế giới công nhận, thể hiện qua các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được các nước ký với Việt Nam. Thêm vào đó, Việt Nam không chỉ tham gia các FTA thế hệ cũ mà còn theo kịp các FTA thế hệ mới, bao gồm cả TPP trước đây, giờ là CPTPP và EVFTA. Như vậy, Việt Nam có thể đáp ứng các tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất, bao gồm thị trường EU và thị trường Mỹ. Do đó, nếu Tổng thống đắc cử Joe Biden nhìn nhận đúng đắn về một Việt Nam hội nhập, cải cách, mở cửa, ông sẽ nhận ra Việt Nam là một thị trường hấp dẫn, đáp ứng được tiêu chuẩn cho các doanh nghiệp Mỹ đầu tư, làm ăn. Đây là những điểm rất thuận lợi đối với Việt Nam.
Cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ diễn biến ra sao dưới thời Joe Biden? Việt Nam cần có những định hướng gì để tận dụng cơ hội và tránh những rủi ro từ thương chiến Mỹ - Trung?
Cạnh tranh Mỹ - Trung trên tất cả các lĩnh vực sẽ tiếp tục do 2 nước có sự cọ xát về lợi ích, sự cạnh tranh về ngôi vị trong các vấn đề toàn cầu, cả về chính trị, kinh tế và an ninh. Điều này sẽ tiếp tục dưới thời Joe Biden. Tuy nhiên, dưới thời Joe Biden, cách thức quản trị đối với cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ khác so với thời Tổng thống Donald Trump. Theo đó, ông Joe Biden sẽ hướng tới sự ổn định chiến lược nhiều hơn. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh không chỉ về kinh tế, thương mại mà cả công nghệ và các vấn đề khác như Biển Đông, Hồng Kông... Joe Biden sẽ khó có thể ngay lập tức chấm dứt tất cả những đối đầu này. Việc lựa chọn dỡ bỏ thế nào phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh Mỹ - Trung ra sao và cái thứ hai nữa. Đồng thời, nhiều biện pháp trừng phạt đã được 2 đảng thống nhất và được Quốc hội Mỹ thông qua, do đó, việc dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt kinh tế, các mức thuế sẽ đòi hỏi sự tham vấn với cả 2 đảng, tham vấn trong nội bộ và có thể, Joe Biden sẽ tham vấn cả đồng minh. Một điểm khác biệt so với Tổng thống Donald Trump là dưới thời Joe Biden, Mỹ sẽ vừa tiếp tục cạnh tranh với Trung Quốc, đồng thời có thể hợp tác với Trung Quốc trong một số lĩnh vực liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu.
Cạnh tranh Mỹ - Trung chắc chắn sẽ có tác động đến khu vực, trong đó có Việt Nam, làm gia tăng sự bất ổn. Đồng thời, cạnh tranh Mỹ - Trung sẽ đặt ra nhiều câu hỏi về hợp tác kinh tế của các nước trong khu vực với Mỹ và với Trung Quốc. Các nước trong khu vực đều muốn quan hệ tốt với cả Mỹ và Trung Quốc, đồng thời cố gắng né tránh kịch bản rơi vào thế phải chọn bên. Tuy nhiên, trong trường hợp cạnh tranh Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng, Việt Nam cần hết sức cẩn trọng trong quan hệ về kinh tế. Ví dụ, nếu Mỹ tiếp tục giữ mức thuế với hàng hóa Trung Quốc, những hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có thể thực hiện theo 2 khả năng:
Một là, phải tìm được nguồn thay thế nguyên liệu từ Trung Quốc để giảm “hàm lượng Trung Quốc” trong hàng hóa Việt Nam. Khi đó, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ sẽ chịu mức thuế thấp. Trong trường hợp không tìm được nguồn thay thế, Việt Nam phải minh bạch và chịu thuế. Một điểm hết sức quan trọng là, Việt Nam phải cho thấy rõ ràng quan điểm, việc lựa chọn hàng hóa, công nghệ nào đều vì lợi ích quốc gia của Việt Nam, không phải là hành động chứng tỏ Việt Nam ủng hộ nước này, chống nước kia. Đại dịch Covid-19 vừa qua đã làm đứt quãng chuỗi cung ứng và buộc các nước, không chỉ có Mỹ mà cả châu Âu, Nhật Bản… đều nhận ra điểm yếu “cốt tử” là quá phụ thuộc vào một thị trường sẽ bất lợi cho an ninh quốc gia. Điều này dẫn đến sự dịch chuyển về chuỗi cung ứng. Trong bối cảnh khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Đông Nam Á sẽ là trọng điểm ưu tiên trong chuyển dịch chuỗi cung ứng, Việt Nam cần tận dụng tối đa sự dịch chuyển này để đón dòng vốn đầu tư.
Thứ hai, trong sự chuyển dịch chuỗi cung ứng, có cả chuyển dịch chất lượng thấp và chất lượng cao với nguồn vốn, công nghệ và cơ chế quản lý. Việt Nam cần chọn lọc để tranh thủ phân khúc chất lượng cao, có lợi cho mình và hạn chế phân khúc chất lượng thấp.
Xin cảm ơn Ông về buổi trò chuyện rất ý nghĩa!