Bệnh nhân Trần Văn P. (30 tuổi, Nam Định) bị tai nạn ngã nằm trên nền cứng và bị cột sắt đổ đè vào bụng khi đang lao động. Ngay lập tức bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện TƯQĐ 108 cấp cứu.
Sau khi chụp chiếu, bác sĩ chẩn đoán anh P. bị chấn thương bụng kín.Tổn thương dập ngã ba động mạch chủ - chậu. Dập nát 50cm ruột non và đại tràng Sigma.
Các bác sĩ Khoa Phẫu thuật tim mạch cùng với ê kíp phẫu thuật tiêu hoá và nhóm gây mê, hồi sức đã nhanh chóng phẫu thuật cho bệnh nhân, cắt bỏ các tổn thương dập nát, ghép động mạch chủ bụng - chậu bằng động mạch nhân tạo Dacron. Nối ruột non. Làm hậu môn nhân tạo, nhờ đó anh anh P. đã qua được "lưỡi hái tử thần" dần ổn định.
Chia sẻ về ca phẫu thuật này, BS Ngô Tuấn Anh, Khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, bệnh nhân bị chấn thương phức tạp, nhưng đã được người xung quanh kịp thời đưa tới cấp cứu và được kịp trực nhanh chóng xử lý nên việc cấp cứu, điều trị đã tốt đẹp.
Các bác sĩ xác định cần phải điều trị phình động mạch chủ cho bệnh nhân.Trong quá trình phẫu thuật, đã thực hiện kẹp động mạch chủ sát dưới động mạch thận phải và 2 động mạch chậu gốc. Sau đó, xẻ mạch trước túi phình động mạch, lấy các mảng xơ vữa; dùng mạch máu nhân tạo Dacron ghép vào động mạch chủ và khâu lại. Ca phẫu thuật thành công.
Theo BS Ngô Tuấn Anh, phình động mạch chủ có thể tiến triển âm thầm trong nhiều năm, nhưng lại có thể vỡ bất cứ lúc nào. Nếu có các triệu chứng như: cảm thấy mạch đập trong bụng giống với nhịp đập của tim; đau nhiều, xuất hiện đột ngột trong vùng bụng hoặc đau ở dưới lưng thì nên đến bệnh viện ngay để được khám, tầm soát bệnh. Phình động mạch có thể phát hiện bằng siêu âm bụng, nếu phát hiện túi phình, các bác sĩ sẽ chỉ định CT đa lát cắt để có thông tin chi tiết hơn và lên kế hoạch điều trị hiệu quả.
Chấn thương bụng kín thường kết hợp với các thương tổn khác như: ngực, sọ não, tứ chi và cột sống. Chẳng hạn như trong tai nạn giao thông, cứ 100 ca chấn thương bụng thì có 40-60% kết hợp với đa chấn thương. Do đó, bệnh nhân thường nhập viện trong tình trạng nặng, đa số có sốc chấn thương. Bệnh nhân thường hôn mê do uống rượu, sốc, hoặc chấn thương sọ não khiến cho việc khai thác bệnh sử và chẩn đoán càng khó khăn hơn.