Thận trọng khi tự phá thai
Băng huyết do thai lưu 2 tháng
Bệnh nhân Nguyễn Thị Nga 33 tuổi (Chương Mỹ, Hà Nội) vừa bước qua “lưỡi hái tử thần”, khi được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Hà Đông (Hà Nội) cấp cứu điều trị kịp thời. Chia sẻ về tình trạng bệnh của mình trước khi vào viện, chị Nga cho hay: Chị có tiền xử mổ đẻ 2 lần, con thứ nhất 6 tuổi và con thứ 2 là 3 tuổi. Cách đây 2 tháng, chị chậm kinh 1 tuần, dùng que thử thai thì báo 2 vạch, có thai. Chị không đi siêu âm hay khám bác sĩ mà tự mua thuốc phá thai về dùng.
Theo người bán thuốc thì lần 1 sẽ uống 1 viên, sau 2 ngày uống tiếp 2 viên. Chị về uống thuốc đúng lịch, sau uống 1 viên lần 1 được 1 ngày thì thấy ra chút huyết, nghĩ rằng mình đã bỏ được thai nên yên tâm. 1 tháng sau chị lại ra chút huyết, đúng với ngày kinh của mình. Chị tưởng mình đã bị kinh nguyệt trở lại, nhưng có ít hơn so với những lần kinh nguyệt trước nên không quan tâm và cũng không kiểm tra bác sĩ xem còn thai hay không. Đến tháng thứ 2 sau uống thuốc, chị thấy huyết ra ồ ạt, người xanh tái, run rẩy và được người nhà cấp cứu tại trạm y tế xã, chuyển ra bệnh viện huyện Chương Mỹ và được đưa tới Bệnh viện Đa khoa Hà Đông…
Tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, ngày 27/6, các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân Nga chuyển cấp cứu từ tuyến huyện lên trong tình trạng trụy mạch, huyết áp tụt chỉ còn 80/50mmHg, da xanh, niêm mạc nhợt, gọi lơ mơ… BSCK2 Trần Ngọc Cường – PGĐ, phụ trách khối Ngoại sản, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, sau khi bệnh nhân siêu âm thì thấy tử cung to tương đương với thai hơn 2 tháng, trong lòng tử cung có khối đậm âm xen lẫn trống âm, nằm vùng eo tử cung (thai lưu 2 tháng), xét nghiệm hồng cầu giảm nhiều, huyết sắc tố giảm, mất máu nặng…
Ngay lập tức, Bệnh viện đã có cuộc hội chẩn với trưởng khoa gây mê hồi sức, trưởng khoa hồi sức tích cực, trưởng khoa huyết học truyền máu, trưởng khoa sản và Ban giám đốc. Qua hội chẩn, chúng tôi chẩn đoán bước đầu bệnh nhân sốc mất máu nặng trên bệnh nhân sảy thai lưu sau phá thai bằng thuốc 2 tháng. Tình trạng nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân…
Bệnh nhân truyền 6 lít máu và chế phẩm máu
BSCK2 Nguyễn Đình Đức, Trưởng khoa Gây mê Hồi sức chia sẻ về quá trình điều trị cấp cứu cho bệnh nhân Nga: chúng tôi đã xử lý cấp cứu nhanh chóng cho bệnh nhân bằng việc truyền máu, truyền dịch, thuốc cầm máu, nạo thai, tiêm thuốc co hồi tử cung.
Theo dõi tích cực 20 phút, nhưng lúc này thấy máu trong âm đạo vẫn ra nhiều, máu đỏ tươi, không đông, tử cung không co hồi. Chúng tôi phải hội chẩn gấp và quyết định mổ cấp cứu, vừa mổ, vừa hồi sức. Sau 1 giờ phẫu thuật xong, thấy vết mổ của bệnh nhân khô, bệnh nhân được cầm máu, dẫn lưu ổ bụng ra khoảng 200ml máu đen, âm đạo không ra máu. Bệnh nhân tỉnh táo, tiếp xúc tốt, mạch huyết áp ổn định, hồi phục dần. Sau 2 ngày bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, các chỉ số hồng cầu, huyết sắc tố trở về gần như bình thường. Đặc biệt, các chức năng gan, thận trở về bình thường, không có biến chứng nào.
Trong quá trình cấp cứu, điều trị bệnh nhân Nga đã được truyền 6 lít máu và chế phẩm máu. Trong những năm gần đây, đây là bệnh nhân đầu tiên có biểu hiện nặng mà phải truyền khối lượng máu nhiều như vậy tại bệnh viện…
Bác sĩ Cường đặc biệt khuyến cáo, uống thuốc phá thai bệnh nhân có biểu hiện nhẹ sẽ gặp buồn nôn, nhức đầu, sốt, rét run, nhưng trong thời gian gần sẽ hết. Bệnh nhân nặng có thể đau bụng, ra huyết nhiều. Uống thuốc phá thai cần theo dõi triệu chứng trong 10-14 ngày, cần phải khám lại tại các cơ sở y tế. Nhiều trường hợp sử dụng thuốc phá thai nhưng thai vẫn sống. Trong trường hợp bệnh nhân này là thai chết lưu, bệnh nhân có vết mổ đẻ 2 lần, nên rất nguy hiểm.
Đối với bệnh nhân mổ đẻ không nên uống thuốc phá thai tránh trường hợp thai làm tổ vết sẹo bên trong tử cung, khiến nó không bong ra được. Trước khi phá thai cần siêu âm xác định tuổi thai, tuổi thai nào được dùng thuốc, tuổi thai nào cần can thiệp ngoại khoa và cần có sự hướng dẫn, phối hợp của bác sĩ. Nếu không, bệnh nhân sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Phạm Hằng