U khổng lồ chèn ép nhiều cơ quan nằm sâu trong gan
Bệnh nhân nữ P.T.L. (54 tuổi trú tại huyện Hà Trung, Thanh Hóa) được cắt bỏ khối u kích thước 30x50x100mm. Bệnh nhân cho biết gần đây có biểu hiện mệt mỏi nhiều, sút cân, tăng huyết áp phải dùng thuốc hạ áp hằng ngày nên đã đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hà Trung và được các bác sĩ ở đây chẩn đoán theo dõi u tuyến thượng thận phải. Bệnh nhân sau đó được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa để tiếp tục điều trị.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ đã tiến hành thăm khám lâm sàng, cho bệnh nhân làm các xét nghiệm cơ bản và chuyên sâu. Kết quả xét nghiệm hormon ACTH, cortisol, catecholamin có kết quả bình thường. Hình ảnh chụp CT cho thấy phía sau phúc mạc phía bên phải cột sống, ngay cạnh và dưới tĩnh mạch chủ bụng, động mạch chủ bụng có vài khối giảm tỷ trọng kích thước 30x50x100mm đè đẩy tuyến thượng thận phải, thận phải và tĩnh mạch chủ bụng, khối u này nằm sâu phía sau gan và trên thận. Bệnh nhân được chỉ định làm sinh thiết khối u bằng kim tru-cut dưới hướng dẫn của siêu âm, kết quả sinh thiết cho thấy đây là khối u sau phúc mạc thể Schwannoma.
TS.BS Trương Thanh Tùng, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Phó trưởng khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cho biết, Schwannoma là những khối u hiếm phát sinh từ các tế bào Schwann trong vỏ bọc thần kinh. Chúng thường được tìm thấy trong hệ thống thần kinh trung ương, tủy sống hoặc các dây thần kinh ngoại biên của cơ thể, với loại phổ biến nhất là u thần kinh thính giác, ngoài ra chúng còn được tìm thấy ở đường tiêu hóa, trong ổ bụng và trung thất.
Đây là một trong những trường hợp người bệnh bị u sau phúc mạc thể Schwannoma lớn hiếm gặp do khối u nằm sâu phía sau gan và trên thận, cạnh các dây thần kinh, gây chèn ép lên các mạch máu lớn và các tạng trong ổ bụng, việc phẫu tích bóc u tế bào Schwann cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Với trường hợp của bệnh nhân P.T.L., nếu không xử lý sớm, khối u này có thể gây chèn ép tĩnh mạch chủ gây ứ trệ tuần hoàn hoặc có thể bị vỡ, nguy hiểm đến tính mạng. Và trong quá trình phẫu thuật nếu không cẩn trọng sẽ gây rò tiêu hóa, rò tụy sau mổ, rò nước tiểu do tổn thương niệu quản…
Khối u schwannoma được lấy ra khỏi bụng bệnh nhân. |
4 khoa phối hợp lấy chọn khối u
Xác định đây là một ca bệnh khó, hiếm gặp do khối u nằm ở vị trí khó và có kích thước lớn, các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa gồm các chuyên khoa Ngoại Tiết niệu, Hồi sức tích cực 2, Phẫu thuật Thần kinh lồng ngực, Gây mê hồi sức. Sau hội chẩn, các bác sĩ quyết định phẫu thuật mở cắt bỏ khối u. Kíp phẫu thuật gồm TS.BS Trương Thanh Tùng (Trưởng phòng KHTH – Phó trưởng khoa Ngoại Tiết niệu), BS Lê Đức Thành (Khoa Hồi sức tích cực 2), BS Mai Thành Thắng (Khoa Phẫu thuật thần kinh lồng ngực) và kíp gây mê gồm BS Lê Ngọc Sơn, KTV Đại, Nhung, Duyên (khoa Gây mê hồi sức). Bệnh nhân được gây mê đặt nội khí quản và được theo dõi huyết áp động mạch. Do có sự chuẩn bị chu đáo về nhân lực, trang thiết bị và sự phối hợp của tất cả các ê-kíp, ca mổ đã diễn ra thành công tốt đẹp. Sau hơn 2 giờ phẫu thuật, khối u được bóc và lấy ra nguyên vẹn, không bị xâm lấn hoặc tổn thương các tạng xung quanh, bệnh nhân không phải truyền máu.
Sau phẫu thuật 7 ngày, bệnh nhân tỉnh táo, vết mổ khô, liền sẹo tốt, đã được cắt chỉ thưa, ăn uống bình thường, huyết áp ổn định và chuẩn bị ra viện.
BSCKII Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa cho biết, đây là một trong nhiều ca bệnh khó, hiếm gặp mà Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cứu chữa thành công. Hiện tại, bệnh viện đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới, đặc biệt có một số kỹ thuật hiện đại gồm: Ghép thận từ người cho sống không cùng huyết thống và là Bệnh viện tuyến tỉnh đầu tiên thực hiện thành công ghép thận trên người cho chết não, đặt stent mạch cảnh trong điều trị hẹp mạch cảnh, lọc màng bụng, phẫu thuật đặt catheter ổ bụng để lọc màng bụng chu kỳ, nối thông động - tĩnh mạch, ứng dụng điện não số hóa (BIS hoặc ENTROPY) theo dõi độ mê trong phẫu thuật... Đặc biệt, Bệnh viện đang tập trung nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, phát triển khoa học kỹ thuật, ứng dụng triển khai các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới vào chẩn đoán và điều trị ở các chuyên ngành mũi nhọn như công nghệ tế bào gốc, sinh học phân tử, phẫu thuật tạo hình – thẩm mỹ, trí tuệ nhân tạo, ECMO, hạ thân nhiệt chỉ huy...; duy trì việc thực hiện các dự án Bệnh viện vệ tinh, Đề án 1816 với các Bệnh viện tuyến trên...để nâng cao chất lượng điều trị, người bệnh được điều trị bằng kỹ thuật cao, các ca bệnh khó được chữa khỏi ngay tại tuyến tỉnh góp phần giảm tỷ lệ chuyển tuyến trên và tiết kiệm chi phí điều trị cho nhân dân trong tỉnh.