<div> <p style="text-align: justify;">Trao đổi về gian lận điểm thi gây chấn động xã hội hiện nay, cựu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, GS.VS Phạm Minh Hạc cho biết, tôi buồn và xót xa cho giáo dục hiện nay.</p> <p style="text-align: justify;">Tôi được biết, gian lận thi cử này rất phức tạp mà công an đang điều tra, cán bộ giáo dục, giáo viên bị bắt. Đây là một điều không hay cho giáo dục.</p> <figure class="image" contenteditable="false"><img alt="Cựu Bộ trưởng Giáo dục: “Từ gian lận thi cử phải xem xét lại toàn ngành giáo dục” - 1" data-original="https://icdn.dantri.com.vn/2019/04/27/gs-hac-1-1556337744789.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2019/04/27/gs-hac-1-1556337744789.jpg" title="Cựu Bộ trưởng Giáo dục: “Từ gian lận thi cử phải xem xét lại toàn ngành giáo dục” - 1" /> <figcaption> <p>Cựu Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, giáo sư, viện sĩ Phạm Minh Hạc</p> </figcaption> </figure> <p style="text-align: justify;"><strong>Gian lận điểm thi – động cơ từ người có tiền, có quyền</strong></p> <p style="text-align: justify;"><em>Gian lận thi cử ở Việt Nam không phải bây giờ mới có, không chỉ gian lận ở kỳ thi THPT quốc gia mà diễn ra ở nhiều kỳ thi, ở nhiều bậc học, theo ông nguyên nhân từ đâu?</em></p> <p style="text-align: justify;">Do tư tưởng bằng cấp ở Việt Nam quá nặng. Tư tưởng này dính liền với biên chế, tuyển người vào cơ quan nhà nước quá nặng về hình thức bằng cấp, cho nên, học sinh học đến lớp 12 coi thi vào đại học là vấn đề “sinh tử”, vấn đề “sống còn” của các em.</p> <p style="text-align: justify;">Nhiều nước phát triển có 50% học sinh học nghề, 50% học sinh học đại học sau khi tốt nghiệp lớp 12. Ở Việt Nam, thì tư tưởng vào đại học chiếm tới 90%.</p> <p style="text-align: justify;">Đây có thể chính là động cơ sai lầm của cả phụ huynh, học sinh, điều đó dẫn đến gian lận điểm thi như hiện nay.</p> <p style="text-align: justify;">Tuy nhiên, để xác nhận rõ động cơ này là gì, nhà nước phải có cuộc điều tra, nghiên cứu phân tích tình hình thực tế chứ các ý kiến bàn về vấn đề này chỉ là võ đoán.</p> <p style="text-align: justify;">Xuất phát gian lận điểm thi, theo tôi động cơ từ phụ huynh, những người có tiền, có quyền. Con họ có lực học kém nhưng họ “sắp xếp” để vào học trường tốt, ra trường có việc làm, biên chế ngay như công an, quân đội.</p> <p style="text-align: justify;">Vấn đề này xảy ra đã nhiều năm, ở nhiều địa phương rồi. Không có công bằng xã hội chính là ở chỗ này.</p> <p style="text-align: justify;"><em>Nhiều nhà giáo cho biết, gian lận điểm thi năm 2018 là nỗi xấu hổ của ngành giáo dục?</em></p> <p style="text-align: justify;">Gian lận thi cử, nếu trong xã hội gọi là ăn cắp, hành vi này là hành vi xấu nhất trong xã hội. Trong khi đó đây lại là ăn cắp trong nhà trường.</p> <p style="text-align: justify;">Ngành giáo dục phải là ngành hết sức trong sạch, người đi học phải thực học, người đi thi phải thực tài. Tìm kiếm người làm cũng phải thực tài. Cái này nhiều nơi ở Việt Nam không thực hiện được.</p> <figure class="image" contenteditable="false"><img alt="Cựu Bộ trưởng Giáo dục: “Từ gian lận thi cử phải xem xét lại toàn ngành giáo dục” - 2" data-original="https://icdn.dantri.com.vn/2019/04/27/bat-1556337985703.jpg" src="https://khds.1cdn.vn/2019/04/27/bat-1556337985703(1).jpg" title="Cựu Bộ trưởng Giáo dục: “Từ gian lận thi cử phải xem xét lại toàn ngành giáo dục” - 2" /> <figcaption> <p>Cán bộ giáo dục bị bắt trong vụ gian lận điểm thi năm 2018</p> </figcaption> </figure> <p style="text-align: justify;"><strong> Giáo dục bị đồng tiền chi phối</strong></p> <p style="text-align: justify;"><em>Ngành giáo dục hiện nay có phải bị đồng tiền lũng đoạn chi phối không, thưa ông?</em></p> <p style="text-align: justify;">Ngành giáo dục bị đồng tiền chi phối chứ không phải nguyên nhân bắt đầu từ giáo dục.</p> <p style="text-align: justify;">Nguyên nhân bị chi phối này, theo tôi cũng phải điều tra cẩn thận thì mới nói được đầy đủ. Nhưng tôi nghĩ xã hội, phụ huynh và lãnh đạo có lỗi nhiều. Ví dụ, trong vụ gian lận điểm thi, những người thực hiện là sửa, nâng điểm thi đều là cán bộ giáo dục, là giáo viên. Họ bị chi phối từ nhiều phía.</p> <p style="text-align: justify;">Tôi đọc báo thấy nhiều tiêu cực qúa. Đáng lẽ ra giáo dục phải ngày càng tốt hơn về chất lượng giảng dạy, về chất lượng học tập, về đạo đức học sinh… nhưng các hiện tượng, vi phạm đạo đức ngày càng xảy ra nhiều, rất đau lòng.</p> <p style="text-align: justify;"><em>Vấn đề đạo đức trong giáo dục đang bùng phát ra khi ngày càng nhiều học sinh đánh nhau, thầy giáo đánh học sinh, thầy giáo dâm ô học sinh… Có phải vấn đề đạo đức trong nhà trường thời gian dài vừa qua không được chú trọng?</em></p> <p style="text-align: justify;">Tôi nghĩ nói như vậy không đúng với tất cả. Hơn 1 triệu giáo viên, đại đa số đều làm tốt. Số người làm không tốt là rất ít.</p> <p style="text-align: justify;">Ở trong ngành giáo dục mà xảy ra 1% học sinh hư và giáo viên vi phạm đạo đức là không đáng kể nhưng chúng ta phải suy nghĩ vì đây là vấn đề rất lớn trong xã hội. Nhìn vào xã hội tốt hay xấu thì việc đầu tiên người ta nhìn vào trường học.</p> <p style="text-align: justify;">Trường học thế kỷ 21, ở nhiều nước người ta chuẩn bị từ cách đây 40 năm. Ở Việt Nam, chương trình mới, năm 2019 mới bắt đầu thực hiện, mình đã chậm 20 năm. 20 năm cũng đã là nửa đời người rồi, chậm quá.</p> <div> <p style="text-align: justify;"><strong>GS. Phạm Minh Hạc:</strong> “<em>Đất nước chúng ta còn rất nhiều khó khăn, ngành giáo dục cũng có nhiều quyền lợi chưa tương xứng nhưng vì sự nghiệp trồng người, vì xứ mệnh nhà giáo, vì trông mong của nhân dân thì tôi tin phần lớn các nhà giáo đáp lại được lòng mong mỏi đó</em>”<strong>.</strong></p> </div> <p style="text-align: justify;"><strong>Qua “2 đời” Bộ trưởng mà mọi việc vẫn không thay đổi</strong></p> <p style="text-align: justify;"><em>Giải pháp ngăn chặn các tiêu cực trong giáo dục hiện nay một mình ngành giáo dục không thể làm nổi mà phải có sự tham gia của nhiều ngành khác và đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp lãnh đạo cao nhất, có phải thế không thưa ông?</em></p> <p style="text-align: justify;">Tài chính và con người, 2 nhân tố quan trọng này thì ngành giáo dục lại không được nắm. 20% ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, trong đó ngành giáo dục chỉ nắm 5% tài chính còn 95% là về địa phương. </p> <p style="text-align: justify;">Ngành giáo dục chỉ thực hiện nhiệm vụ dạy học còn lên lương, tuyển dụng, điều chuyển nhân sự thì lại là cơ quan khác làm. Do đó, xảy ra tình trạng hiện nay ở nhiều tỉnh trên cả nước, hàng trăm giáo viên đang dạy bị cắt hợp đồng, bị đe dọa đuổi việc.</p> <p style="text-align: justify;">Tôi nhớ, 5% ngân sách Bộ GD&ĐT nắm trong số 20% ngân sách dành cho giáo dục từng được ông Nguyễn Thiện Nhân trong thời gian làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nói trước Quốc hội. Vậy mà, đến nay đã qua “2 đời” Bộ trưởng nữa mà mọi việc vẫn không có gì thay đổi.</p> <p style="text-align: justify;">Ông Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thực hiện quản lý nhà nước một ngành với hơn 1 triệu cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên và khoảng 24 triệu HSSV nhưng không nắm được tiền thì khó vô cùng.</p> <p style="text-align: justify;">Trở lại vấn đề ngăn chặn tiêu cực trong giáo dục<em>, </em>theo tôi,<em> </em>trước hết ngành giáo dục là ngành chủ quản, trực tiếp phụ trách dạy học phải làm tốt.</p> <p style="text-align: justify;">Từ cơ sở giáo dục, trước hết đội ngũ giáo viên phải chỉnh đốn lại. Những người không làm được việc này thì nên đi làm việc khác. Đồng thời, phải rất nghiêm túc từ gia đình, nhà trường và xã hội. Chúng ta buông lỏng trong giáo dục thì hệ quả sẽ rất khủng khiếp.</p> <p style="text-align: justify;">Tôi nghĩ Đại hội XIII tới phải xem xét lại toàn bộ ngành giáo dục. Để thay đổi giáo dục toàn quốc thì phải từ Bộ Chính trị, từ TƯ, Chính phủ, Quốc hội mới làm được.</p> <p style="text-align: justify;"><em>Xin trân trọng cám ơn ông!</em></p> <p style="text-align: justify;"> </p> </div> <p style="text-align: justify;"> </p>