Ảnh: Chăm sóc bệnh nhân tại khoa Ngoại Tổng hợp bệnh viện E
Lần đầu tiên bệnh viện E Trung ương đã cứu sống, điều trị khỏi cho bệnh nhân bị thủng thực quản ngực do hội chứng Boerhaave.
3 ngày 2 lần phẫu thuật
Bệnh nhân nam 42 tuổi (Hà Nội) tiền sử nghiện rượu, viêm dạ dày. Bệnh nhân vào viện sau 2 giờ đau bụng trong tình trạng mệt, đau dữ dội vùng thượng vị và vùng dưới ngực trái, khó thở nhẹ, mạch 100 lần/phút, huyết áp 110/70mmHg. Thăm khám co cứng vùng thượng vị. Bệnh nhân được chẩn đoán tràn dịch, tràn khí màng phổi trái mổ cấp cứu dẫn lưu màng phổi trái. Đặt dẫn lưu màng phổi trái ra khí và 100 mm dịch màu đen, không rõ dịch tiêu hóa. Hậu phẫu ngày thứ nhất bệnh nhân tỉnh, mạch xuống 120l/phút, huyết động ổn định SPO2 96% -98% sốt nhẹ 38OC, dẫn lưu các dẫn lưu ra 400ml dịch hồng.
Sang ngày thứ ba, huyết áp vẫn bình thường nhưng khó thở, sau đó bệnh nhân lơ mơ sảng rượu sốt cao, huyết áp tụt 90/60 mmHg, CT còn tràn dịch và khí màng phổi hai bên, tràn khí trung thất dưới da ngực. Hội chẩn xác định lại chẩn đoán thủng thực quản do nôn nhiều, hội chứng Boerhaave.
TS.BS Hữu Hoài Anh, Phó Trưởng khoa Ngoại tổng hợp BV E cho biết, bệnh nhân được mổ cấp cứu ở ngực trái thấy có ít giả mạc và dịch tiêu, thủng thực quản 1/3 dưới mặt trước bên trái dài 5 cm. Tiến hành cắt lọc sạch mép thực quản, khâu vết rách thực quản 2 lớp. Rửa sạch màng phổi trái đặt hai dẫn lưu màng phổi, dẫn lưu dạ dày.
Bệnh nhân được thở máy 20 giờ, hút liên tục màng phổi 2 bên, truyền dịch, kháng sinh liều cao phối hợp. Hậu phẫu ngày thứ nhất bệnh nhân giảm và hết sốt, tiếp xúc tốt. Bệnh nhân ăn lỏng vào ngày thứ 14, ổn định xuất hiện vào ngày thứ 19. Kết quả thăm khám lại sau mổ bệnh nhân tiêu hóa bình thường.
Dễ chẩn đoán nhầm và tỷ lệ vong cao
Theo TS.BS Hữu Hoài Anh, hội chứng Boerhaave là tổn thương rách thực quản do tăng áp lực trong lúc nôn nặng. Đây là bệnh lý nặng của đường tiêu hóa có tỷ lệ tử vong rất cao. Bệnh thường xảy ra do ăn, uống rượu quá nhiều gây nên nôn nặng. Bệnh thường được chẩn đoán muộn do các triệu chứng không điển hình và dễ nhầm với các bệnh khác như thủng dạ dày nhồi máu cơ tim, tràn khí tràn dịch màng phổi.
Biến chứng của bệnh rất nặng như: Viêm khoang màng phổi, phổi, trung thất, nhiễm khuẩn huyết, mất nước sau đó dẫn đến sốc ...Nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ tử vong cao từ 20-75% phụ thuộc vào thời gian bệnh nhân được phát hiện điều trị sớm hay muộn. Hội chứng Boerhaave thủng thực quản nếu không được điều trị 100% sẽ tử vong sau vài ngày.
TS.BS Hữu Hoài Anh phân tích, cơ chế rách thực quản trong hội chứng Boerhaave là vì tác động nôn hơi và dịch đẩy dạ dày từ dạ dày qua tâm vị lên thực quản làm gia tăng áp lực trong lòng đoạn thực quản ở dưới trong khi đoạn thực quản phía trên không gian mở hoặc mở không kịp do bị rối loạn cơ chế thần kinh phối hợp. Tuổi càng cao sự phối hợp cơ chế thần kinh càng kém do vậy nguy cơ thủng thực quản cũng tăng lên theo tuổi. Điểm yếu nhất của thực quản là 1/3 dưới mặt trước bên trái nên thường vỡ vào khoang màng phổi trái. Vị trí vỡ thường gặp thứ hai là ngay dưới cơ hoành và bệnh nhân sẽ có những triệu chứng lâm sàng về bụng là chủ yếu. Một số ít trường hợp vỡ đoạn thực quản ở trên cao vào màng phổi trái.
Điều trị hội chứng Boerhaave bằng phẫu thuật khâu lỗ thủng thực quản, làm sạch khoang màng phổi, dẫn lưu màng phổi, hút liên tục chống nhiễm khuẩn và hồi sức tích cực. Kết quả phẫu thuật phụ thuộc vào mức độ tổn thương, đặc biệt là phụ thuộc vào thời gian từ khi có triệu chứng đến khi được phẫu thuật. Bệnh nhân chẩn đoán được trong vòng 24 giờ được coi là phẫu thuật sớm, sau 24 giờ là muộn. Phẫu thuật sớm có tiên lượng tốt về nguy cơ biến chứng, phẫu thuật càng muộn nguy cơ biến chứng cao do nhiễm trùng lan rộng khoang màng phổi trung thất...