<p style="text-align: justify;"><em>Chăm sóc vết loét hoại tử cho bệnh nhân.</em></p> <p style="text-align: justify;"><strong>Cứu được tính mạng vẫn phải cắt chân</strong></p> <p style="text-align: justify;">Bệnh nhân Hà Mạnh T., (28 tuổi, Phú Thọ) được tiếp nhận trong tình trạng loét hoại tử bàn chân trái vô cùng nghiêm trọng. Theo tìm hiểu từ người nhà, bệnh nhân phát hiện ĐTĐ typ 1 cách đây 12 năm khi mới 17 tuổi, hiện đang điều trị isulin, tuy nhiên bệnh nhân không đi tái khám và theo dõi thường xuyên mà chỉ điều trị isulin theo đơn từ trước đó rất lâu.</p> <p style="text-align: justify;">Cách vào viện khoảng 1 tháng, bệnh nhân bị tai nạn giao thông ngã xe máy, xây xát vùng da mu chân trái, không gẫy xương. Sau vài ngày vết thương xây xát do ngã ngày càng lan rộng, sâu toàn bộ chân trái, xuất hiện chảy dịch hôi, bàn chân bắt đầu sưng tấy nhiều, đau nhức, mất cảm giác. Mặc dù xuất hiện tình trạng trên nhưng bệnh nhân đã không tới bệnh viện để khám và kiểm tra ngay mà tự ý ở nhà điều trị bằng thuốc kháng sinh không rõ nguồn gốc đồng thời sử dụng các loại thuốc lá dân gian để đắp lên vết xây xát khiến cho tình trạng vết thương ngày càng lan rộng.</p> <p style="text-align: justify;">Chỉ đến khi thấy cơ thể ngày mệt mỏi, vùng tổn thương quá nặng bệnh nhân mới được đưa tới Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ kiểm tra. Tại đây, trước tình hình diễn biến khá nặng của ca bệnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã chuyển bệnh nhân xuống Bệnh viện Nội tiết Trung ương.</p> <p style="text-align: justify;">Tại khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Bệnh nhân được cấp cứu trong trong tình trạng xuất hiện các dấu hiệu nhiễm trùng huyết, cơ thể mệt mỏi, da niêm mạc nhợt nhạt, sốt cao trên 38 độ C. Bệnh nhân có vết loét tại vị trí mu bàn chân trái, sưng nóng đỏ, kích thước lớn, sâu, vết thương hoại tử lan rộng gần hết mu chân, lan tỏa xuống gan chân, chảy dịch hôi thối...</p> <table align="center" class="imageBox"> <tbody> <tr> <td style="text-align: center;"><img alt="" src="https://khds.1cdn.vn/2019/03/07/cat-cut-chi-1.jpg" /></td> </tr> <tr> <td> <p class="PCaption">Bàn chân bị biến chứng hoại tử do đắp lá của bệnh nhân</p> </td> </tr> </tbody> </table> <p style="text-align: justify;">ThS.BS Tôn Thất Kha, Trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương nhận định, đây là ca bệnh có diễn biến rất nặng do nhập viện muộn. Hiện tại, bệnh nhân đang trong tình trạng sức đề kháng yếu, sốt cao liên tục kèm theo viêm phổi, nhiễm trùng bàn chân nặng và đang được theo dõi nhiễm khuẩn đường huyết, đe dọa tính mạng. Dù có được điều trị tích cực thì nguy cơ phải cắt cụt chi ở ca bệnh này vẫn rất cao.</p> <p style="text-align: justify;">“Chỉ vì sai lầm và thiếu hiểu biết trong việc chăm sóc mà người bệnh ĐTĐ đã tự điều trị tại nhà bằng phương pháp đắp các loại thuốc lá vào vị trí xây xát khiến cho vết thương lan rộng nhanh chóng, dẫn đến việc phải cắt cụt chi, thậm chí đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng”, ThS.BS Kha cho biết.</p> <p style="text-align: justify;"><strong>Biến chứng bàn chân gây tử vong hàng đầu</strong></p> <p style="text-align: justify;">ThS Đặng Thị Mai Trang, Phụ trách khoa chăm sóc bàn chân, Bệnh viện Nội tiết TW cho biết, biến chứng bàn chân là biến chứng gây tử vong hàng đầu trong bệnh ĐTĐ. Bởi biến chứng bàn chân là do tổn thương thần kinh ngoại vi đã làm mất cảm giác bảo vệ, chân người bệnh bị tê bì, dị cảm không thấy đau, không phát hiện ra tổn thương dẫn đến loét, hoại tử và cắt cụt chi dưới. Tỷ lệ tử vong sau cắt đoạn chi thay đổi từ 13-40% sau 1 năm, 35-65% sau 3 năm, và 39-80% sau 5 năm.</p> <p style="text-align: justify;">ThS Đặng Thị Mai Trang cảnh báo, điều trị vết thương bàn chân cho bệnh nhân ĐTĐ, rất nan giải và tốn kém. Từ một vết thương nhỏ, chày xước ở da chân có thể thành vết thương nặng sau 3 ngày và nếu bệnh nhân tự điều trị ở nhà, sau 1 tuần đến viện đã có thể bị nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng máu, phải cắt cụt chi. Chi phí điều trị có khi lên đến vài trăm triệu vẫn không cứu được tính mạng. Thực tế, loét bàn chân là một biến chứng phức tạp, xuất hiện do nhiều tổn thương phối hợp bao gồm biến chứng mạch máu làm giảm nuôi dưỡng bàn chân, biến chứng thần kinh và biến chứng nhiễm trùng.</p> <p style="text-align: justify;">Với người bệnh tiểu đường, một khi gặp biến chứng loét bàn chân sẽ rất khó được chữa lành. Bởi khác với người bình thường, vết loét chân ở bệnh nhân ĐTĐ rất khó liền vì ít khi được cung cấp đủ máu, do đó vùng tổn thương vừa không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng và ôxy, vừa không có đủ các tế bào máu như bạch cầu đến để tấn công vi khuẩn và các tế bào chết cũng không được dọn dẹp kịp thời.<strong>Khó chữa lành, có thể ở bàn chân phải cắt lên cả đùi</strong></p> <p style="text-align: justify;">Mặt khác, đường máu cao sẽ ức chế các hoạt động của bạch cầu, làm giảm hiệu quả của các phản ứng viêm chống nhiễm khuẩn. Do vậy, vết thương rất dễ bị nhiễm trùng lan rộng và khó liền, khi đó bắt buộc phải cắt cụt. Điều đặc biệt là các động mạch có thể bị tắc hẹp ở các đoạn cẳng chân hoặc cao hơn như ở đùi nên một số trường hợp tuy chỉ có nhiễm trùng bàn chân nhưng lại cần cắt cụt đến trên đầu gối.</p> <p style="text-align: justify;">Vì vậy, ThS.BS Tôn Thất Kha khuyến cáo, đối với những người đang mắc ĐTĐ cần thường xuyên tái khám, điều trị đơn thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Khi xuất hiện các vết xây xát trên cơ thể không được tự ý điều trị tại nhà mà người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và chăm sóc vết thương, giúp vết thương được kiểm soát tốt, tránh những tổn thương lan rộng, bảo tồn các chi.</p> <blockquote> <p style="text-align: justify;"> Hiện nay, cứ 2 giây trên thế giới phát hiện 1 bệnh nhân ĐTĐ, 6 giây có 1 người chết và cứ 20 giây lại có một người phải cắt cụt chi vì ĐTĐ. Tại Việt Nam, có tới 70% bệnh nhân ĐTĐ lần đầu đi khám đã bị biến chứng bàn chân, 80% bệnh nhân điều trị ĐTĐ phải điều trị biến chứng này và gần 40% tổng số người có bệnh lý bàn chân phải cắt cụt.</p> </blockquote> <div> <p style="text-align: justify;"> </p> </div> <p style="text-align: justify;"> </p>