Nhiều biến chứng, tử vong cao
Bệnh nhân S. (BN), nhập viện trong tình trạng đau đầu nhiều, có các cơn động kinh (1 – 2 cơn/tuần), yếu liệt nửa người, nôn… Từ tháng 3/2017, BN đã đi khám nhiều nơi và uống nhiều thuốc nhưng không phát hiện ra bệnh. Ngày 15/6, khi khám tại Bệnh viện E, chụp cộng hưởng từ sọ não phát hiện nhiều ổ áp-xe trong não (một khối kích thước 3 x 4cm và vài ổ nhỏ xung quanh). Bác sĩ chẩn đoán áp-xe não do lao bởi BN vẫn đang dùng thuốc điều trị lao phổi.
Do các ổ áp-xe não nằm ở vùng chi phối vận động, phẫu thuật lấy hết ổ áp-xe sẽ gây tổn thương não ảnh hưởng đến vận động và tổn thương thần kinh nên các bác sĩ đã quyết định cho BN uống thuốc để khối áp-xe nhỏ tự tiêu và hút dịch trong ổ áp-xe lớn. Sau 2 tuần phẫu thuật, BN hết sốt, đỡ đau đầu, giảm động kinh và dần phục hồi liệt.
ThS Phạm Văn Bính, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện E cho biết, áp-xe não là có bọc mủ trong hộp sọ. Bệnh có thể gây viêm màng não mủ, vỡ áp-xe, tụt kẹt não với tỷ lệ tử vong rất cao (áp-xe não khoảng 40%, áp-xe tiểu não 62 – 85%).
Có 3 nguyên nhân chính gây áp-xe não là: Do chấn thương; Do nhiễm khuẩn từ cơ quan lân cận như viêm xương chũm, viêm xoang trán, xoang sàng, viêm tai giữa; Do vi khuẩn theo đường máu gặp trong các bệnh như lao phổi, giãn phế áp-xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm màng trong tim nhiễm khuẩn, áp-xe gan, viêm tủy xương, viêm bể thận, mụn nhọt…
Đặc điểm áp-xe não theo đường máu như của BN S. là ổ áp-xe thường ở sâu trong tổ chức não, có thể một hoặc nhiều ổ ở các vị trí khác nhau. Người bị áp-xe não thường có những biểu hiện như sốt cao 38 – 400C; mệt mỏi, chán ăn, đau đầu, nôn và buồn nôn, liệt bại nửa người đối bên, tổn thương dây thần kinh sọ não, cơn co giật động kinh cục bộ, rối loạn ngôn ngữ, lú lẫn, hôn mê…
Hơn nữa, bệnh thường gây biến chứng gồm viêm màng não mủ, vỡ áp xe, tùy vị trí ổ áp xe có thể gây nhiều tổn thương thần kinh khác nhau.
Điều trị phải tránh tổn thương
Theo ThS Phạm Văn Bính, có nhiều phương pháp điều trị áp xe não: Nội khoa (dùng kháng sinh mạnh) và phẫu thuật (chọc hút ổ áp-xe, dẫn lưu và phẫu thuật lấy bỏ toàn bộ ổ áp-xe). Mục tiêu quan trọng nhất trong phẫu thuật là cần phải đảm bảo loại bỏ ổ áp-xe mà không hoặc tối thiểu làm tổn thương tới cấu trúc lành, tổn thương vùng chức năng.
Trong trường hợp này không thể phẫu thuật lấy bỏ toàn bộ vì có nhiều ổ lại ở nơi chi phối cơ quan vận động nếu cắt bỏ ổ áp-xe sẽ gây tổn thương nhiều tổ chức não lành, thậm chí thủng vỡ bọc áp-xe gây nguy hiểm. Vì vậy, để tránh tổn thương cho Bn, các bác sĩ đã quyết định chọc hút ổ áp-xe.
ThS Phạm Văn Bính nhấn mạnh, chọc hút ổ áp xe não có ưu điểm là không gây tổn thương nhiều tổ chức não lành, chọc hút được ở các ổ ở sâu trong tổ chức não, ổ áp-xe nhiều ngăn, tình trạng BN quá nặng không thể can thiệp phẫu thuật lớn…
Đặc biệt, để có đường mổ hợp lý nhất, hạn chế tối đa tổn thương nhu mô não lành cho Bn, các bác sĩ đã sử dụng hệ thống định vị thần kinh (Navigation) để xác định chính xác vị trí phẫu thuật. Vì vậy, BN chỉ cần khoan một lỗ nhỏ (2 x 2cm), từ đó bác sĩ đưa dụng cụ chuyên dụng đi qua nhu mô não, vào ổ áp xe và hút ra 20mm dịch mủ màu trắng. Sau đó, đặt ống dẫn từ ổ áp xe ra ngoài và tiến hành bơm rửa cho đến khi hết dịch thì rút ống dẫn lưu.
ThS Phạm Văn Bính khuyến cáo, BN lao phổi có sức đề kháng suy giảm nên dễ biến chứng bị lao cột sống, bàng quang, xương và não. Lao não vô cùng nguy hiểm nhất là khi lao tấn công vào tổ chức não và tụ nhiều ổ áp-xe như BN này. Vì vậy, BN lao cần tuân thủ điều trị, tránh tình trạng lao kháng thuốc lan sang các bộ phận khác của cơ thể.
Khi có thể xuất hiện các triệu chứng như sốt kéo dài không dứt, đau đầu không rõ nguyên nhân, buồn nôn, cơ thể mất thăng bằng, yếu liệt 1/2 cơ thể… thì đi khám để điều trị kịp thời. Nếu để lâu ổ áp-xe lan rộng trong tổ chức não sẽ khó điều trị, thậm chí gây mù lòa, thần kinh, hôn mê sâu khả năng phục hồi kém, thậm chí tử vong.
Thúy Nga