Ông N.V.Đ. (Hà Nội) đi khám, tình cờ phát hiện bệnh đái tháo đường. Do không hiểu biết và cũng không được tư vấn kỹ, nên ông chủ quan, chỉ cần uống hết một đợt thuốc thì ngừng. Ông cũng không thực hiện chế độ ăn khoa học, do khát nước nhiều và thèm ngọt nên ông thường xuyên uống các loại nước uống có ga.
Cách đây 1 tháng ông Đ. thấy bàn chân chảy nước nên tự mua kháng sinh về điều trị nhưng không đỡ. Khi sốt cao nên phải nhập viện thì tình trạng loét bàn chân đã rất nặng. Mặc dù ông không có cảm giác đau đớn nhưng tình trạng hoại tử, mủ đã ăn sâu…
Lời bàn: Theo TS.BS Đỗ Đình Tùng, Viện Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa, trường hợp của ông Đ. tình trạng hoại tử bàn chân khá nặng, đã có chỉ định tháo khớp để tránh nhiễm trùng lan rộng. Bệnh nhân lại không kiểm soát bệnh tật bằng thuốc, chế độ ăn và tập luyện… cũng không biết cách tự chăm sóc bàn chân nên khi vào viện có nhiều biến chứng. Các bác sĩ đã phải điều trị tích cực ngay từ đầu, phối hợp nhiều kỹ thuật mới nên đã bảo tồn được bàn chân cho bệnh nhân.
Với người bệnh đái tháo đường, theo thời gian, nồng độ đường huyết tăng cao sẽ gây tổn thương đến hệ thống dây thần kinh ngoại biên, dẫn đến những tê bì, rối loạn cảm giác ở bàn chân. Khi bị mất cảm giác người bệnh dễ bị những vết thương ở 2 chân mà không hề hay biết. Những vết xước nhỏ ở bệnh nhân tiểu đường có nguy cơ trở thành vết loét, vết nhiễm trùng nặng nề. Vì vậy, người bệnh đái tháo đường cần kiểm soát tốt đường huyết, khi có biến chứng ở bàn chân cần đi khám ngay để được điều trị kịp thời.