Cuộc tranh cãi về thân phận cây cao su trên vùng Tây Bắc

(khoahocdoisong.vn) - Theo đánh giá của các nhà khoa học, vùng Tây Bắc không phù hợp với cây cao su. Thực tế phát triển cây cao su trên vùng Tây Bắc qua lời người dân và lời công ty trái ngược nhau hoàn toàn.

Trước ý kiến trái chiều về phát triển cây cao su trên vùng Tây Bắc, Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Kiến thức bản địa và Phát triển (CIRD) tổ chức tọa đàm khoa học “Người dân góp đất với công ty để phát triển cây hàng hóa: từ góc nhìn mô mình góp đất trồng cao su tại Tây Bắc”.

Dân nói không, công ty nói có

Người dân một số bản ở Sơn La thể hiện rõ sự không hài lòng với mô hình góp đất trồng cao su. Ông Lò Văn Điền, Bí thư chi bộ bản Bủng, xã Mường Bú, huyện Mường La, Sơn La cho biết: Tổng diện tích dân bản góp cùng công ty trồng cao su là hơn 300 ha nhưng cho đến nay chưa nhận được đồng cổ tức nào, bà con cũng chưa được thảo luận cách chia cổ tức. Mức thu nhập của bà con kém hơn trước khi góp đất dù đã hiến kiệt đất cho công ty. Có những diện tích trồng cao su không phát triển được, công ty không trồng bù thì phải trả lại đất cho dân.

Còn theo ông Lù Văn Hải, Trưởng bản Ta Mo, xã Mường Bú, huyện Mường La, Sơn La, sau khi dùng đất sản xuất và đất trồng cây lâu năm góp vào công ty, sổ đỏ của dân bị thu lại, nhưng sổ mới lại chưa cấp. Trong quá trình góp đất, công ty tuyển dụng người dân làm công nhân không được như lời hứa (1 ha/1 công nhân, trả 1,5 đến 1,8 triệu đồng/tháng). Sau 2 năm đi không có việc làm, không có bảo hiểm, không tuyển dụng nên bà con chán nản. Chưa góp đất tỷ lệ hộ nghèo chỉ 7,5%, đến nay tăng lên hơn 50%. Tình trạng bỏ nhà đi làm ăn xa rất phức tạp.

Ông Hải cũng cho biết, đến giờ bản Ta Mo cũng chưa biết phương pháp chia cổ tức như thế nào. Công ty có công văn gửi đến nói sẽ họp với bà con nhưng biệt tăm. Một số diện tích trồng cao su không lên nhưng công ty cũng không trồng dặm lại. Đến khi chia cổ tức lại chia theo cây chứ không theo diện tích đất góp. Mà dân yêu cầu trả những khoảng trống để bà con canh tác thì không trả.

“Thảo luận mãi cũng đến thế mà thôi! Tôi khẳng định luôn là cây cao su không có hiệu quả, không chịu được thời tiết ở Sơn La, cứ sương muối xuống là cây chết. 11 năm góp đất gia đình tôi chưa được hưởng lợi gì. Người dân chúng tôi chỉ mong muốn công ty trả lại đất cho dân” - anh Lò Văn Hùng, bản Củ Pe, xã Mường Bon, huyện Mai Sơn, Sơn La bức xúc.

Không giải đáp cụ thể những bức xúc của người dân, đại diện 2 công ty cao su lại đưa ra những con số cụ thể minh họa cho bài toán hiệu quả kinh tế mô hình góp đất trồng cao su ở Tây Bắc. Ông Hồ Anh Đức - Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Sơn La - cho biết, công ty có tổng diện tích đất dân góp là 6.039 ha. 7.128 hộ góp đất thì đã có 5.023 hộ ký hợp đồng chính thức, 2.105 hộ đang xúc tiến ký hợp đồng góp đất. Hiện, tổng vốn công ty đầu tư vào mô hình là hơn 1.200 tỷ đồng. Trong đó, tổng tiền trả lương cho người lao động là 470 tỷ đồng. Đã có 2.500 lao động ký hợp đồng, đóng bảo hiểm thường xuyên. Tổng thu nhập bình quân hàng năm của người lao động là 2,9 triệu đồng/tháng. Công ty đã xây 13 nhà trẻ, hỗ trợ 2.000 con công nhân tiền ăn 5000 đồng/ngày. Đồng thời, hơn 1.200 hộ trong dự án góp đất được vay vốn mua bò nuôi nhốt chuồng không tính lãi...

Ông Nguyễn Hồng Thắng - Tổng Giám đốc Công ty CP cao su Lai Châu - nói, sau 2 năm khai thác mủ, Công ty đã chi trả cho 100% tiền các hộ, với tổng số tiền 8 tỷ đồng, tổng chi tiền lương 53 tỷ đồng. Hiện, công ty đã đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng cho 6.900 ha trồng cao su. Chu trình thu hồi vốn là 20 năm. Vì thế cần lấy mốc 20 năm ra tính toán. Hiện lương bình quân công nhân 2,9 triệu đồng/tháng, đóng đủ bảo hiểm. Tết cổ truyền mỗi công nhân được thưởng 3 triệu. Đó là lợi ích người dân tham gia trồng cao su. Phải tính bức tranh tổng thể. Cái chưa được thì cùng nhau gỡ.

“Chúng ta nên xem xét mọi thứ dưới góc độ chung, những cái được sao không nói, những cái chưa được phải cùng nhau gỡ chứ không nên lấy hạt cát ra soi” – ông Thắng nói.

Cần nghiên cứu tổng thể chính xác

Đi tìm câu trả lời cho mâu thuẫn trên, một nhóm nghiên cứu thuộc Tổ chức Forest Trends đã tiến hành phỏng vấn người dân, khảo sát về tình trạng góp đất trồng cao su. TS Nguyễn Vinh Quang - đại diện nhóm nghiên cứu - cho biết, kết quả khảo sát nhanh tại 3 tỉnh Sơn La, Điện Biện và Lai Châu được thực hiện trong tháng 2 và tháng 3/2019 cho thấy, thu nhập thực tế từ cây cao su thấp hơn nhiều thu nhập từ các loại cây trồng khác trên cùng diện tích của chính hộ đó trước khi tham gia góp đất trồng cao su.

Khoảng 75% số hộ tham gia khảo sát khẳng định thu nhập giảm so với trước khi tham gia góp đất trồng cao su. 47% số hộ cho rằng thu nhập giảm ít nhất 40%. Hiện nay, sau 8 năm, lợi tức từ mủ của 1 ha cao su chỉ khoảng từ 500 nghìn tới 2 triệu đồng, tương đương 2% lợi tức từ cây ngô. Trong tương lai, thu nhập từ cây cao su có thể tăng theo năng suất mủ nhưng vẫn thấp hơn hẳn những loại cây trồng khác. Hơn 50% số hộ trả lời phỏng vấn muốn chặt bỏ cao su. Thu nhập thấp, phổ biến dưới 1 triệu đồng/tháng nên nhiều công nhân đã xin nghỉ việc hoặc tạm dừng. 234/441 hộ (53,1%) được khảo sát mong muốn lấy lại đất, chặt bỏ cây cao su để trồng cây khác.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, vùng Tây Bắc không phù hợp với cây cao su. Bức tranh phát triển cây cao su ở vùng Tây Bắc qua lời người dân và lời công ty có màu sắc trái ngược nhau. Vì vậy, cần có một tổ chức độc lập, nghiêm túc đánh giá lại việc sản xuất cao su vùng Tây Bắc để Chính phủ thấy rõ hơn những vướng mắc, bất cập.

Kết luận buổi tọa đàm, TS Phạm Văn Tân, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VUSTA cho rằng, doanh nghiệp cũng khó khăn nhưng khó khăn nhiều hơn vẫn thuộc về người dân. Cần tiếp tục có nhiều tọa đàm  kỹ hơn, chụp ảnh thực trạng mô hình cao su cả 3 tỉnh Tây Bắc, tập hợp nhiều căn cứ khoa học hơn... để đề nghị các cơ quan chức năng sớm tổng kết đánh giá mô hình. Thực hiện chỉ đạo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, VUSTA sẽ tiếp tục đồng hành, xây dựng các kiến nghị với cơ quan chức năng sớm có tổng kết đánh giá mô hình. Đề nghị Tổng công ty Cao su Việt Nam quan tâm tới những băn khoăn của cộng đồng tham gia, điều chỉnh chính sách, tạo điều kiện cho bà con.

Theo Báo cáo của tổ chức Forest Trends, từ năm 2007-2008, các hộ đồng bào dân tộc đã góp trên 30.000 ha cùng Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam để phát triển cây cao su ở vùng Tây Bắc. Bình quân mỗi hộ góp 1 ha, tổng số hộ tham gia là trên dưới 30.000 hộ, tương đương hơn 10 vạn nhân khẩu. Vì vậy, dự án có tác động lớn đến sinh kế người dân. Ngày 18/4/2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu đánh giá tổng thể hiệu quả mô hình người dân góp đất trồng cao su tại Tây Bắc để có những bước tiếp theo.

Theo Đời sống
back to top