Dường như trong cuộc sống hiện đại, bữa ăn không còn quan trọng.
Bận là bỏ, là nhịn
Cuộc sống hối hả, bận rộn khiến cho nhiều người không có cả thời gian cho việc ăn uống. Buổi sáng, nếu vội quá, họ sẽ bỏ bữa ăn sáng.
Buổi trưa, công việc chưa xong, họ cũng bỏ bữa trưa, thay vì ăn một bữa ăn đảm bảo chất dinh dưỡng để cơ thể có đủ năng lượng cho hoạt động của buổi chiều, họ chỉ ăn qua loa với chiếc bánh mì, bắp ngô… vừa ăn vừa đọc tài liệu, vừa ăn vừa gõ máy tính…
Điều quan trọng, nhiều người vẫn làm thế, và cuộc sống của họ vẫn tiếp diễn. Chính vì thế câu hỏi được đặt ra: Bỏ bữa thực chất có gây nguy hiểm gì không?.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Khoa Công nghệ Thực phẩm –Công nghệ Sinh học, Đại học Bách Khoa Hà Nội, khi ô tô, xe máy… hết xăng, chúng ta chỉ cần đổ xăng vào là xe sẽ chạy.
Tuy nhiên, với con người lại khác, ăn là một hoạt động vô cùng đặc biệt. Ăn không chỉ là đơn thuần là cung cấp năng lượng để cơ thể hoạt động, ăn còn là hoạt động để giúp tái tạo lại tế bào đã mất, xây dựng lại cơ thể, ăn còn là hoạt động để điều chỉnh kích thước cơ thể (béo, gầy).
Hơn thế, với ô tô, xe máy, khi hết xăng, bạn có thể đổ bất cứ giờ nào trong ngày, nhưng với con người, chúng ta hoạt động theo một chu kỳ đều đặn. Chúng ta ngủ vào ban đêm và thức dậy, làm việc vào ban ngày.
Trong quá trình thức và làm việc ấy, chúng ta thường sẽ nạp năng lượng với 3 bữa chính cộng thêm một vài bữa phụ. Đây là một thói quen khoa học để đảm bảo cho một cơ thể khỏe mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, cũng khác với ô tô, xe máy… khi hết xăng chúng sẽ ngừng hoạt động. Tuy nhiên, với cơ thể của con người thì lại khác, cơ thể bao giờ cũng có một lượng năng lượng dự trữ nhất định.
Khi chúng ta không nạp năng lượng (bỏ một bữa nào đó trong ngày) nguồn năng lượng dự trữ sẽ được mang ra để bù đắp. Đấy chính là lý do vì sao, chúng ta bỏ bữa, nhịn ăn một bữa nào đó trong ngày, chính ta vẫn sống, vẫn tồn tại được. Nhưng nếu chúng ta bỏ bữa thường xuyên.
Điều này là vô cùng nguy hiểm. Nó khiến cơ thể mất cảm giác no- đói, khiến bạn ăn thật nhiều vào bữa ăn sau, hoặc làm bạn thay đổi thói quen ăn uống khoa học.
Ví dụ, bạn bỏ bữa sáng, đến tầm 10h bạn sẽ đói, nếu bạn không ăn bạn sẽ bị mệt, nhưng nếu ăn sẽ khiến đến bữa ăn chính bạn còn cảm giác đói và ăn ít hơn so với nhu cầu của cơ thể…
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh không chỉ ăn đều đặn, bạn cần phải ăn đầy đủ chất dinh dưỡng. Hãy có sự hiểu biết về chính cơ thể của mình để có một chế độ ăn uống hợp lý và phù hợp với thể trạng, công việc của mình.
Tránh tình trạng cũng ăn nhưng lại ăn không đủ chất dinh dưỡng hoặc ăn quá nhiều dẫn đến béo phì hoặc gày gò.
Đều đặn
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, dù cuộc sống bận rộn đến mấy, bạn cũng không thể bỏ bữa, rút bữa, cũng không nên thay vào đó là bữa ăn nhanh, bữa ăn không đủ chất dinh dưỡng.
“Trong cuộc sống, đôi khi có những việc xảy ra bất ngờ nên bạn buộc phải bỏ bữa hay ăn không đủ lượng và chất cần thiết. Tuy nhiên, điều đó chỉ là thỉnh thoảng, không thường xuyên chứ không thể kéo dài.
Đừng đổ lỗi cho cuộc sống hiện đại, bận rộn mà bạn bỏ ăn sáng, bỏ ăn trưa hoặc ăn uống qua loa. Đấy là sự cẩu thả. Hãy nhớ rằng dù bận rộn đến mấy bạn vẫn cần phải sinh hoạt và ăn uống một cách khoa học và đều đặn”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh khuyên.
Vì vậy, hãy ăn uống khoa học với bữa sáng với đầy đủ chất dinh dưỡng vào tầm 7 – 8 giờ sáng và bữa ăn trưa sau đó tầm 4 -5 tiếng, tiếp theo là bữa ăn tối với đầy đủ các nhóm chất gồm tinh bột, chất đạm, chất béo, nhóm cung vitamin và khoáng chất.
Bên cạnh bữa ăn chính, nếu có thời gian và cơ thể có nhu cầu bạn có thể ăn thêm bữa ăn phụ. Bữa ăn phụ rất đơn giản với miếng bánh ngọt, hộp sữa, vài chiếc bánh quy… Đây đều là những thực phẩm có dinh dưỡng.
Sơn Hà