Lăng Ông nơi thờ Lê Chất.
Ai bình Lê Chất
Năm Gia Long thứ nhất (1802) Vua đem đại quân đi đánh Bắc thành, thăng Lê Chất làm Khâm sai Chưởng Hậu quân, cờ hiệu Bình Tây Tướng quân, cùng với Lê Văn Duyệt đem bộ binh tiến lên trước.
Quân của Gia Long đến đồn Tiên Lý ở Dinh Vĩnh Định, gặp giặc là đánh tan, thừa thắng tiến mãi, thế như chẻ tre. Bắc Hà bình định xong, tin thắng lợi báo về, vua ban thưởng rất hậu. Lê Chất được phong tước Quận công và được mang ấn Bình Tây Tướng quân.
Các tướng là bọn Đặng Trần Thường bàn riêng với nhau rằng: – Lê Chất mà Bình Tây thì ai bình Lê Chất? Lê Chất mà Quận công thì lũ ta phải mười lần Quận công.
Lê Chất nghe biết được lời ấy, tự thấy không yên lòng, bèn dâng vua tờ biểu, đại lược nói rằng: – Tôi là kẻ bất tài mới quy phụ, nếu ví với các quan thì họ đến vạn phần gian nan mà tôi chưa được một.
Tôi đã được phong đến tước Quận công lại còn được làm Chưởng Hậu quân, như thế là lạm ở hàng cao quý, xét không thể đảm đương được. Vậy, xin được xuống hàng Đô thống chế cho ngang với các quan khác.
Vua đem tờ biểu ấy cho triều thần bàn định. Triều thần bàn định rằng, phong tước là để đền đáp công lao, cũ mới nào có khác nhau gì, những lời đàm tiếu ở ngoài chẳng có gì đáng kể cả.
Vua xuống dụ sai Lê Chất giữ chức tước như đã phong, lại cho mẹ của Lê Chất mỗi tháng 40 phương gạo.
Hiềm khích với các quan
Năm Gia Long thứ hai (1803), Vua sai xây dựng Kinh thành (Huế), bọn Lê Chất cùng Nguyễn Văn Khiêm, Phạm Văn Nhân được giao việc đốc suất.
Đến tháng 8, vua đi Bắc tuần, Lê Chất cùng với Nguyễn Văn Trương và Nguyễn Đức Xuyên đem quân bản bộ theo hầu. Khi đến Thanh Hoa thì được tin ở Quảng Yên có giặc biển, quan Bắc thành Tổng trấn là Nguyễn Văn Thành đem việc ấy tâu lên.
Vua liền sai Lê Chất cùng Nguyễn Văn Trương đem quân tiến lên trước để đánh. Lê Chất nói với Nguyễn Văn Trương: – Địa phương nào có giặc thì quan lại địa phương đó phải đánh. Nay, các quan ở Bắc thành đem giặc cho ta đánh, tướng quân sao không nói rõ chuyện này?
Nguyễn Văn Trương nói: – Đợi đến xong việc rồi nói cũng không muộn gì. Nguyễn Văn Trương đến Quảng Yên thì giặc sợ mà chạy, bèn về uống rượu với Nguyễn Văn Thành và đem lời Lê Chất nói lại cho Nguyễn Văn Thành hay. Từ đó, Nguyễn Văn Thành để bụng giận Lê Chất.
Năm Gia Long thứ ba (1804) Vua ban yến cho quần thần, nhân đó triệu Lê Chất đến hỏi lại, Lê Chất chối. Hỏi Nguyễn Văn Trương, Trương đáp: – Những gì nói trong lúc uống rượu, giờ chẳng nhớ nữa.
Vua hỏi: – Nguyễn Văn Thành và Nguyễn Văn Trương có uống rượu với nhau hay không? Nguyễn Văn Trương và Nguyễn Văn Thành tâu rằng có. Vua nói: – Ngươi cho Nguyễn Văn Trương uống rượu say, khiến hắn phải nói lầm, Nguyễn Văn Trương lại vì say rượu mà nói lầm. Như vậy, lỗi là ở lũ các ngươi chớ Lê Chất có lỗi gì đâu? Ba người nghe vậy thì lạy tạ.
Suốt thời trị vì của Gia Long, Lê Chất luôn được trọng dụng. Sang thời Minh Mạng, Lê Chất vẫn được coi là một trong những đại thần uy danh lừng lẫy.
Đầu thời Minh Mạng, vua đang để tâm đến việc dùng văn trị, trọng dụng văn thần, bèn sai bọn Trịnh Hoài Đức tra cứu điển lễ, tâu lên để cho triều thần theo đó mà thi hành.
Lê Chất và Lê Văn Duyệt, mỗi khi vào chầu thường làm sai lễ, đã thế còn cho bọn Trịnh Hoài Đức là đặt chuyện để ton hót với vua, nên cứ thế mà chỉ trích. Vua nghĩ, bọn Lê Chất và Lê Văn Duyệt đều là đại thần có nhiều công lao nên cũng gác việc qua một bên, vui vẻ đối đãi chớ chưa nỡ bắt tội.
(còn nữa)
Nguyễn Bảo Nam