<div> <p><span>Đến 6h sáng 5/4, Việt Nam chưa ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19. Đến nay, cả nước có 240 trường hợp mắc Covid-19, gồm 149 từ nước ngoài, chiếm 62,1% và 91 người lây nhiễm thứ phát, trong đó 61 người thuộc ổ dịch nội địa. Các cơ sở y tế Việt Nam cũng đã điều trị khỏi cho 90 bệnh nhân.</span></p> <p><span>Trao đổi với phóng viên VOV.VN sáng 5/4, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện (BV) Phổi Trung ương nhận định, việc không ghi nhận ca mắc mới tại thời điểm hiện nay là dấu hiệu “thắng lợi” của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19.</span></p> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="" src="https://khds.1cdn.vn/2020/04/05/images-vov-vn_pgsts_nguyen_viet_nhung1529721826_ykjr.jpg" title="" /></td> </tr> <tr> <td style="text-align: center;"><em><span>PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Ảnh: SKĐS)</span></em></td> </tr> </tbody> </table> <p><strong>PV</strong><span>: <em>Đến sáng 5/4, Việt Nam chưa ghi nhận thêm trường hợp nào mắc mới Covid-19, xin ông có thể đánh giá tổng quan tình hình hiện nay của dịch viêm phổi cấp do virus SARS-CoV-2 tại nước ta?</em></span></p> <p><span><strong>PGS.TS Nguyễn Viết Nhung</strong>: Có thể nói đây là dấu hiệu của thắng lợi lần thứ 2 khi chúng ta không ghi nhận một trường hợp nào mắc mới Covid-19 trong một chiến dịch tổng lực gồm giãn cách xã hội, không tiếp xúc, phòng chống sự lây lan. Những ngày qua chúng ta cũng lo ngại về trường hợp bệnh nhân người Thụy Điển với lịch trình di chuyển dày đặc. </span></p> <p><span>Nhưng hôm nay chúng ta chưa ghi nhận thêm ca mắc mới. Đây là tín hiệu đáng mừng, chúng ta vẫn khống chế số ca mắc ở 240 người.</span></p> <p><span><strong>PV</strong>: <em>Tại Trung Quốc và hiện nay là Mỹ và các nước châu Âu đã và đang có số ca mắc và tử vong không ngừng gia tăng vì Covid-19, nhưng tại sao Việt Nam Việt Nam đã tránh được “thảm kịch” này?</em></span></p> <p><span><strong>PGS.TS Nguyễn Viết Nhung</strong>: Điều này là tổng hòa của tất cả các giải pháp. Nhưng tôi muốn nói đến điều đầu tiên là sự vào cuộc từ rất sớm, rất đúng và rất kịp thời khi Việt Nam đã hành động ứng phó trên một mức. </span></p> <p><span>Tôi vẫn nhớ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Việt Nam sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân”. </span></p> <p><span>Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã nói: “Chúng ta phải lường những tình huống xấu để nó không xảy ra và chúng ta phải chuẩn bị ứng phó với những tình huống xấu nhất để hậu quả của nó không xảy ra”.</span></p> <p><span>Đây là phương châm hành động xuyên suốt ngay từ ban đầu và là nền tảng để chúng ta chống dịch tốt nhất trong thời gian vừa qua. Chúng ta đã có sự chủ động và thực tế đã chứng hiệu quả rất tốt.</span></p> <p><span>Với tín hiệu hiện tại, có thể nói tình hình dịch Covid-19 tương đối khả quan. Diễn biến dịch tại Hà Nội đã rất đáng lo ngại trong thời gian qua khi có sự lây lan trong cộng đồng. Nhưng đến ngày hôm nay, chúng ta đã có sự can thiệp rất hiệu quả. </span></p> <p><span>Theo đánh giá dịch tễ, có hai điểm đáng lo ngại nhất. Thứ nhất, dịch ở trên thế giới vẫn đang rất phức tạp như tại Mỹ, châu Âu. Chúng ta phải làm thế nào để be được con đập vững chắc, với phương châm ngăn chặn ngay từ đầu. Tuy nhiên, điều này lại ảnh hưởng tới kinh tế do vậy Việt Nam phải căn bằng thế nào để vẫn đảm bảo ngăn chặn chặt dịch bệnh xâm nhập. </span></p> <p><span>Thứ hai, là các mầm bệnh vẫn còn ở trong cộng đồng, như trường hợp bệnh nhân người Thụy Điển vừa rồi. Rõ ràng là chưa kiểm soát được, không biết nguồn lây bệnh F0 ở đâu và F0 đã được kiểm soát hay chưa. Đây là 2 yếu tố để chúng ta tiên lượng tình hình.</span></p> <p><span><strong>PV</strong>: <em>Ông dự đoán thế nào về đỉnh dịch Covid-19 tại Việt Nam? Và như ông vừa nói về các mầm bệnh trong cộng đồng, giải pháp nào sẽ là hữu hiệu nhất để kiểm soát những trường hợp này?</em></span></p> <p><span><strong>PGS.TS Nguyễn Viết Nhung</strong>: Với diễn biến thực tế, tôi đánh giá cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam đang rất khả thi. Hy vọng, vào khoảng giữa tháng 5 chúng ta đã khống chế dịch đi xuống và trên thế giới cũng bắt đầu kiểm soát được.</span></p> <p><span>Việc tìm kiếm các mầm bệnh trong cộng đồng, chúng ta trông cậy vào can thiệp dịch tễ. Phát hiện phải phụ thuộc vào xét nghiệm. Lúc trước chúng ta đánh giá vào yếu tố dịch tễ, theo đó đưa những người đến từ vùng dịch, người tiếp xúc vào cách ly ngay hoặc yêu cầu cách ly tại nhà cho đến khi xác định không nhiễm bệnh. </span></p> <p><span>Để rà soát các mầm bệnh trong cộng đồng thì xét nghiệm nhanh là một cứu cánh. Hà Nội vừa qua đã triểnkhai các trạm xét nghiệm nhanh - là xét nghiệm huyết thanh. Xét nghiệm này không khẳng định được vì có một số dương tính giả do kháng nguyên khác. Đã có một số trường hợp dương tính là hầu hết là dương tính giả và theo tôi đây là yếu tố khả quan để tiên lượng trong cộng đồng không phải có quá nhiều trường hợp mất dấu F0.</span></p> <p><span>Ngày 4/4, tôi đã nhận được thông báo từ Công ty Cepheid (Mỹ) cho biết Việt Nam là một trong những nước được mua test Xpert Xpress SARS-CoV-2. Đây là hệ thống máy của chương trình chống lao đang thực hiện thường quy tại Việt Nam từ năm 2012. </span></p> <p><span>Hiện chúng ta có 175 máy và sẽ tiếp nhận khoảng 30 máy nữa. Hệ thống này sẽ xét nghiệm đích xác virus SARS-CoV-2, với định danh của 3 lại gene nên tính nhạy và đích xác cao, với độ nhạy, độ hiệu có thể trên 90%. Và hệ thống này cũng xét nghiệm nhanh trong 35-4</span><span>5 phút với độ nhạy, độ hiệu tương đối như làm xét nghiệm Real Time PCR. </span></p> <p><span>Theo tôi đây là biện pháp cứu cánh tốt nhất để sàng lọc những trường hợp nghi ngờ và phát hiện đích danh các ca nhiễm trong cộng đồng. Máy xét nghiệm này đang được triển khai trong phạm vi toàn quốc. </span></p> <p><span>Hiện nay, chúng tôi mới vận động nguồn hỗ trợ nước ngoài và nếu chúng ta đầu tư mua hệ thống máy thì đây cũng là một biện pháp cứu cánh. Chương trình chống lao sẵn sàng vào cuộc.</span></p> <p><span><strong>PV</strong>: <em>Xin cảm ơn ông./.</em></span></p> </div> <p> </p>