Nới lỏng cách ly vẫn cần thực hiện 5 an toàn
Theo thông báo mới nhất của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, đến 6h ngày 23/4 Việt Nam không ghi nhận ca nhiễm mới. Trong số 268 bệnh nhân, 223 ca đã khỏi và 45 ca còn đang điều trị, 11 ca trong đó đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 1 - 2 lần. Riêng 3 ca bệnh nặng, sức khỏe cả ba đều đang tốt dần lên. Trong đó bệnh nhân 91 (phi công người Anh) không sốt, thở máy, rối loạn đông máu kiểm soát tạm ổn, X-quang phổi không tổn thương xấu thêm.
Cả nước không còn tỉnh, thành nào bị coi là có “nguy cơ cao” và đã dừng thực hiện giãn cách xã hội như quy định của Chỉ thị 16, trừ một số huyện của Hà Nội, Hà Giang và Bắc Ninh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đến giờ phút này Việt Nam đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh vì chúng ta có sự lãnh đạo đúng, thực thi đúng và hiệu quả. Tình hình tốt lên thì điều quan trọng là nhất định không được chủ quan.
Bệnh nhi 6 tuổi và các bệnh nhân ra viện |
Theo đó, người dân tiếp tục thực hiện đeo khẩu trang vì đây là biện pháp quan trọng nhất trong phòng chống các bệnh lây lan qua đường hô hấp. Tiếp tục duy trì, tránh việc giao tiếp gần dưới 2m, không nên tụ tập đông người, hạn chế đi ra khỏi nhà nếu không cần thiết và đặc biệt lưu ý những đối tượng người cao tuổi, người có bệnh nền.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) nhận định, từ 23/4, nhiều địa phương sẽ được “nới lỏng” khi các hoạt động kinh tế, sản xuất đi vào hoạt động, học sinh cũng chuẩn bị đi học trở lại, lúc này toàn dân không chỉ tiếp tục thực hiện triệt để quy tắc 4 an toàn, mà thậm chí là 5 an toàn, mới đảm bảo phòng dịch.
Đặc biệt, cần khai báo y tế đầy đủ, nhất là khi có những triệu chứng như: Sốt, ho, khó thở, kể cả triệu chứng mệt mỏi mà không tìm ra nguyên nhân… Khi khai báo, người dân sẽ được tư vấn, hướng tới làm xét nghiệm, chẩn đoán điều trị, sàng lọc ca bệnh trong cộng đồng.
Theo nhận định của các chuyên gia, các hoạt động bình thường trở lại sẽ làm tăng những nơi tập trung đông người, nếu không quyết liệt thực hiện phòng bệnh dịch rất dễ bùng phát mạnh. Đặc biệt chú ý vấn đề phòng dịch tại các khu ở tập trung của công nhân, các khu ký túc xá… là những nơi khó kiểm soát và dễ lây lan dịch bệnh. Vừa qua, Singapore đã có trường hợp bùng phát dịch bệnh ở những khu lao động tự do nhập cư.
Nhiều nước đang ở giai đoạn đầu của đỉnh dịch
Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, vẫn còn "một chặng đường dài" trong cuộc chiến chống dịch bệnh khi số ca tử vong toàn cầu vượt 183.000. Theo ông Tedros, nhiều nước trên thế giới vẫn đang ở giai đoạn đầu của dịch bệnh và một số nước chịu ảnh hưởng sớm đang bắt đầu tăng số ca bệnh trở lại.
PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo, ở nước ta dù các ca bệnh đều đã được khống chế nhưng tình hình dịch nói chung vẫn còn phức tạp. Trên thế giới vẫn có nhiều người mắc bệnh và chết vì Covid-19, nguy cơ bệnh xâm nhập Việt Nam vẫn còn.
Hơn nữa, chúng ta chưa thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết nên người dân vẫn cần tiếp tục thực hiện các nguyên tắc đảm bảo phòng chống dịch.
Để ứng phó lâu dài với dịch bệnh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Y tế căn cứ nhu cầu máy thở cho các kịch bản, đề xuất số lượng máy thở cần phải bổ sung thêm, làm việc với các đơn vị tài trợ và các đơn vị sản xuất để quyết định số lượng đặt hàng, mua theo đúng quy định.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao một số doanh nghiệp trong nước đã tích cực, khẩn trương nghiên cứu, sản xuất các trang thiết bị y tế phòng chống dịch như camera đo thân nhiệt từ xa, máy thở.