Rác tái chế sẽ không bị tính phí
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN&MT cho biết, học tập kinh nghiệm của Hàn Quốc, Nhật Bản, sắp tới Việt Nam sẽ triển khai những giải pháp lớn. Thứ nhất, thay vì thu phí xử lý rác cào bằng theo hộ hoặc theo đầu người, các địa phương sẽ phải thu phí rác theo khối lượng hoặc thể tích với nguyên tắc càng thải nhiều rác càng phải trả nhiều tiền thông qua việc bán bao bì đựng rác chuyên dụng. Khi đó, nếu người dân phân loại tại nguồn, phần rác tái chế sẽ không bị tính phí mà chỉ tính phần phí rác không tái chế, tạo động lực cho họ phân loại rác tại nguồn.
Thứ hai, để tránh tình trạng phân loại xong lại đổ chung một xe, vận chuyển về cùng một bãi, các địa phương phải đầu tư đồng bộ hạ tầng từ phương tiện vận chuyển, hoạch địch tuyến thu gom, các điểm lưu giữ cũng như công nghệ xử lý tương ứng. Thứ ba, có nhiều giải pháp giám sát như lắp đặt hệ thống camera ở nhiều nơi. Người vứt rác bừa bãi có thể bị bêu tên trên loa phường hay cuộc họp dân phố.
Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, tổ dân phố cùng nhau giám sát việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Thứ tư là nâng chế tài xử lý các hành vi vứt rác không đúng nơi quy định, không phân loại rác nguồn, thay đổi cách xử phạt, đối tượng có thể xử phạt để quy định có thể đi vào thực tiễn.
Năm 2021, Bộ trưởng Bộ TN&MT sẽ ban hành tiêu chí về công nghệ xử lý rác thải sinh hoạt, làm cơ sở cho các địa phương lựa chọn công nghệ và tính đơn giá phù hợp. Năm 2021, Tổng cục Môi trường sẽ xây dựng hướng dẫn kỹ thuật phân loại rác tại nguồn, hướng dẫn phương pháp tính định giá xử lý chất thải theo công nghệ, cho ý kiến về vấn đề quy hoạch tỉnh trong đó có nội dung về hạ tầng kỹ thuật môi trường, các điểm thu gom, tập kết chất thải rắn, xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật còn thiếu… Các tỉnh, thành phố căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội địa phương để có kế hoạch triển khai phân loại rác tại nguồn phù hợp với điều kiện thực tế. Tuy nhiên, chậm nhất 1/1/2024, các địa phương bắt buộc phải phân loại rác tại nguồn.
Khi luật có hiệu lực, chất thải rắn sinh hoạt từ hộ gia đình, cá nhân được phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Các loại chất thải rắn có khả năng tái chế được phân loại đúng quy định được miễn nộp phí thu gom, vận chuyển và xử lý.
Tìm đầu ra cho các loại rác
Theo PGS.TS Phùng Chí Sĩ, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, giá rác thải sinh hoạt dựa theo chi phí thu gom được tính trung bình 415.000đ/tấn. Với quy định mới, tính giá theo bao bì là cách mà các nước phát triển đã áp dụng rất hiệu quả. Có hai phương thức, người dân mua túi theo từng loại (đơn cử loại 5kg - màu đỏ, 10kg - màu xanh, 15kg - màu vàng), đóng tiền thu gom ngay khi mua hoặc trả sau theo kiểu đựng rác vào đúng loại, người thu gom tính bao nhiêu túi thì nhân tiền lên bấy nhiêu.
Tuy nhiên, phương án này cũng có tính chất áng chừng và có thể thành công ở Việt Nam hay không phần lớn vẫn dựa vào ý thức của người dân. Nhiều người có thể “lách” bằng cách dồn hết rác thải nặng sang túi loại 5 - 10kg, tính tiền cho túi loại nhẹ nhưng thực tế số kilôgam lại nặng hơn nhiều. Chưa kể không loại trừ trường hợp người dân “trốn” đóng tiền bằng cách mang rác đổ sang nhà hàng xóm hoặc đổ ra công viên, sông, kênh, rạch, càng thêm gây ô nhiễm môi trường. Hay việc phát sinh các túi rác để phân loại trong nhà cũng khiến người dân e ngại. Do đó, cần có hướng dẫn thi hành luật một cách chi tiết, bài bản.
Theo GS Đặng Kim Chi, chuyên gia về chất thải rắn, phân loại rác là bước quan trọng trong vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho lựa chọn công nghệ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, phải thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực xử lý rác thải sinh hoạt, đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại phù hợp với từng loại rác đã được phân loại, như vậy mới có thể đồng bộ từ khâu thu gom, vận chuyển đến xử lý rác.
Ông Nguyễn Thượng Hiền, Luật lần này tạo một cơ chế đột phá, cách tính đơn giá dịch vụ xử lý rác sẽ theo công nghệ. Khi đầu tư công nghệ hiện đại thì suất đầu tư lớn, giá xử lý phải cao mới lựa chọn được nhà đầu tư, không thể đơn giá công nghệ đốt rác phát điện lại giống như đơn giá chôn lấp.
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ TN&MT cho biết, để thực hiện được việc phân loại rác tại nguồn, trước hết cần phải tìm “đầu ra” cho các loại rác, những loại rác nào được bán cho các nhà máy sản xuất phân compost, những loại rác nào có thể tái chế thành những sản phẩm thân thiện với môi trường hay đi chôn lấp. Mấu chốt vấn đề là phải phân loại rác tại nguồn, qua đó vừa giảm thiểu rác thải lại có thể tái chế được. Đơn vị thu gom rác phải đầu tư vào công nghệ để thu gom từng loại rác riêng, vận chuyển cũng riêng đến nơi xử lý, tránh tình trạng phân loại xong rồi lại vận chuyển chung đổ vào một xe thì “hòa cả làng”.
Các công nghệ đốt rác thu lại năng lượng ở thời điểm này là phù hợp, tuy nhiên phải có yêu cầu bắt buộc là xử lý được khí thải, có hệ thống quan trắc khí thải để kiểm soát. Nếu không làm được coi như sử dụng công nghệ mới vừa tốn tiền mà mức ô nhiễm lại như nhau.
Một nghiên cứu của Việt Nam cho thấy, 40% rác thải sinh hoạt là thành phần thực phẩm, hữu cơ và vật liệu có thể tái chế. Do đó, Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) lần này quan niệm chất thải rắn sinh hoạt không phải bỏ đi mà là một dạng tài nguyên. Để có thể sử dụng loại tài nguyên này, có 2 yếu tố tiên quyết là việc phân loại rác từ đầu nguồn và công nghệ xử lý rác không chôn lấp.
Để thay đổi thói quen của người dân trong việc phân loại rác tại nguồn, ngoài việc tuyên truyền cũng cần có những chính sách, cơ chế hỗ trợ để khuyến khích người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn. Ngoài ra, cần bổ sung thêm chế tài xử lý đối với những hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.