Cục An toàn Thực phẩm cảnh báo về thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày Tuệ Tĩnh

Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày Tuệ Tĩnh quảng cáo trên website https://dadaytuetinh.... đã vi phạm quy định pháp luật.

Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) vừa cảnh báo như trên. 

Chiều 3/11/2021, trên website được Cục An toàn Thực phẩm cảnh báo trên, phóng viên ghi nhận sản phẩm có giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm vào năm 2019 của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế).

giay-cong-bo.png
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày Tuệ Tĩnh chỉ có giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm vào năm 2019 của Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế).

Sản phẩm Dạ dày Tuệ Tĩnh còn sử dụng con dấu có kèm theo chữ “Bộ Y tế - Chứng nhận hàng chính hãng”.

Đồng thời sản phẩm được quảng cáo mập mờ với liệu trình điều trị 1 tháng, chuyên viên tư vấn sẽ trực tiếp điện thoại để nắm bắt bệnh, đưa ra phác đồ, và gửi sản phẩm qua bưu điện về tận nhà cho bà con chỉ trong 1-3 ngày…

3-cam-ket(1).jpg
3 cam kết của Dạ dày Tuệ Tĩnh giải quyết bệnh từ gốc một cách triệt để, nhưng không đưa ra bất cứ tài liệu nghiên cứu khoa học nào chứng minh điều này. 

Theo Cục An toàn Thực phẩm, sản phẩm này do Viện Nghiên cứu Y - Dược Cổ truyền Tuệ Tĩnh, địa chỉ: Số 2 Trần Phú, Quận Hà Đông, Thành phố Hà Nội công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Xưởng sản xuất - Địa điểm kinh doanh của sản phẩm tại Công ty TNHH Dược phẩm Smard, Địa chỉ: Thôn Thượng, xã Bích Hòa, huyện Thanh Oai, Hà Nội.

quang-cao-da-day-tue-tinh(1).jpg
Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) vừa cảnh báo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Dạ dày Tuệ Tĩnh trên website https://dadaytuetinhg.... đã vi phạm quy định pháp luật. Ảnh chụp màn hình

Cục An toàn Thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý vi phạm nêu trên. Kết quả xử lý, Cục An toàn thực phẩm sẽ công khai trên website của Cục.

Trong quá trình các cơ quan chức năng xử lý, người tiêu dùng không căn cứ vào các nội dung quảng cáo sai sự thật trên website nêu trên để quyết định mua, sử dụng sản phẩm gây ảnh hưởng đến sức khỏe và kinh tế.

Cục An toàn Thực phẩm khuyến cáo

Thông thường có 2 sai phạm phổ biến trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe là chưa xin phép hoặc chưa được cấp phép. Ngoài ra, sản phẩm được cấp phép một đằng nhưng quảng cáo một nẻo, quảng cáo quá mức, mập mờ… khiến người tiêu dùng hiểu nhầm sản phẩm này có công dụng như thuốc chữa bệnh.

Phải có tài liệu khoa học chứng minh và phải bảo đảm chính xác trung thực các nội dung, đặc biệt là tác dụng của sản phẩm (nếu có), các cảnh báo khi sử dụng sản phẩm (nếu có) cũng như hướng dẫn sử dụng và bảo quản.

Căn cứ Nghị định 158/2013/NĐ-CP về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo”, theo mục 4 của điều 68, phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: “Quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.”

Theo Đời sống
back to top