<div> <p>Cử tri Nguyễn Thanh Bình (phường 9) nói: Sau khi Thành ủy ban hành Chỉ thị số 23 về tăng cường quản lý trật tự về xây dựng, số vụ xây dựng trái phép ở TPHCM có giảm, bình quân chỉ còn 7-8 vụ/ngày, trong đó công trình trái phép hầu hết là biệt thự, khách sạn, tập trung tại một số quận, huyện ngoại thành.</p> <div> <div><img alt="Cử tri TPHCM: “Cán bộ xây nhà trái phép, sao không cưỡng chế? - ảnh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2019/12/12/dscn7192_prxn.jpg" /><span>Tổ đại biểu HĐND TPHCM tiếp xúc cử tri chiều 23/12</span></div> </div> <p>Cử tri này cho rằng có sự bao che, nể nang vì nhiều công trình có dáng dấp của cán bộ. Ông Bình bức xúc: “Có một điều đáng buồn là người dân vừa xây vài viên gạch thì cán bộ, thanh tra xây dựng ập đến, bắt tháo dỡ, còn cán bộ xây nhà to thì không thấy ai đến xử lý. Phải xử lý nghiêm cán bộ vi phạm thì mới lập lại trật tự kỷ cương vì từ lúc ban hành chỉ thi đến nay chưa có cán bộ nào bị xử lý”.</p> <div> <div><img alt="Cử tri TPHCM: “Cán bộ xây nhà trái phép, sao không cưỡng chế? - ảnh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2019/11/30/nha_ong_thanh_yerc.jpg" /><span>Nhà xây không phép của ông Lê Hữu Thành, Phó Chủ tịch thường trực HĐND quận Thủ Đức (vừa bị bãi miễn chức vụ ) tồn tại từ năm 2012, cho đến cuối tháng 10 vừa qua, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trực tiếp kiểm tra chỉ đạo mới được xử lý tháo dỡ. </span></div> </div> <p>Cử tri Nguyễn Thanh Bình hiến kế: Muốn xử lý triệt để tình trạng xây dựng trái phép thì cần đơn giải hóa quy trình, thủ tục xử lý vi phạm. Hiện nay, quy trình, thủ tục còn rườm rà, chưa chặt chẽ và thiếu đồng bộ. Lập biên bản lúc còn đang xây móng đến khi có quyết định cưỡng chế thì căn nhà 3-4 tầng đã xây xong.</p> <p>Tại buổi tiếp xúc, cử tri Bùi Thị Nhàn (phường 9) lo ngại: Tình trạng thu phí đậu xe ô trên đường thất thoát quá nhiều, thu không đủ bù chi. Bình quân mỗi tháng chỉ thu được 180 triệu đồng, trong khi chi phí trang trải lên tới 800 triệu đồng/tháng là quá bất hợp lý.</p> <p>Cử tri Nhàn kiến nghị Sở GTVT tổ chức thanh kiểm tra thường xuyên lực lượng thu phí vì có dấu hiệu nhân viên thu phí sai phạm. Bên cạnh đó, TPHCM cần thuê đơn vị chuyên nghiệp phát triển phần mềm My Packing và đa dạng các loại hình thanh toán vì hiện nay phương thức thanh toán qua phần mềm My Packing còn hạn chế, có trường hợp muốn nộp tiền mà không biết phải nộp thế nào.</p> <div> <div><b>Cần nâng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM</b></div> </div> <p>Cử tri Nguyễn Thị Hằng (phường 12) nói năm 2019, TPHCM phải thu nộp ngân sách Trung ương gần 400.000 tỷ đồng và đã thu vượt hơn 3,34% là một nỗ lực rất lớn.</p> <p>Tuy nhiên, cử tri này cho rằng tỷ lệ điều tiết của ngân sách Trung ương dành cho TPHCM chỉ 18% là chưa tương xứng, không đảm bảo cho TPHCM phát triển bền vững. “Kiến nghị HĐND TPHCM có tờ trình đề nghị Trung ương xem xét, nâng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM”, bà Hằng đề nghị.</p> <p>Trả lời các cử tri, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết năm 2019, dù gặp nhiều khó khăn trong điều hành nhưng TPHCM đã hoàn thành và vượt hầu hết các chỉ tiêu đã đề ra.</p> <p>Ông Trần Vĩnh Tuyến cho hay dự án 2 tuyến metro số 1 và số 2 về tài chính đã cơ bản giải quyết xong, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành tuyến metro số 1. Công trình Cầu Thủ Thiêm 2 cũng sẽ hoàn thành trong quý 4/2020. Cầu Cần Giờ đã hoàn thành việc thi tuyển kiến trúc, hiện nhà đầu tư đang lập báo cáo tiền khả thi vả nếu không thay đổi thì cuối năm 2020 sẽ khởi công, cuối năm 2024 sẽ hoàn thành, nối trung tâm TPHCM với huyện đảo Cần Giờ.</p> <p>Về tỉ lệ điều tiết ngân sách, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến nói là do Trung ương quy định và tin thần của lãnh đạo TPHCM là phải “cùng cả nước, vì cả nước”. Hiện nay, các tỉnh thành đóng góp ngân sách cho trung ương chỉ không quá 15 tỉnh, thành. Áp lực về ngân sách của trung ương rất lớn và việc TPHCM đóng góp là trách nhiệm.</p> <p>Vừa qua, TPHCM mong muốn tăng tăng tỉ lệ điều tiết nhưng không phải để chi thường xuyên mà để đầu tư cơ sở hạ tầng như đường giao thông, bệnh viện,… vì áp lực tăng dân số cơ học rất cao (mỗi năm tăng trên 200 nghìn dân).</p> <p>“Nếu TPHCM được tăng tỉ lệ điều tiết và dành khoản này để đầu tư thì có thể sẽ còn thu nhiều hơn và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách Trung ương và cả nước nhiều hơn”, ông Tuyến cho hay.</p> <p>Về thất thoát phí đậu xe, ông Trần Vĩnh Tuyến nói TPHCM chọn làm thí điểm tại 3 quận 1, 3, 5 và không đặt nặng vấn đề thu mà mục tiêu là đường phố phải thông thoáng.</p> <div> <div><img alt="Cử tri TPHCM: “Cán bộ xây nhà trái phép, sao không cưỡng chế? - ảnh 3" src="https://khds.1cdn.vn/2019/12/20/dscn7194_tfaf.jpg" /><span>Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến trả lời các cử tri</span></div> </div> <p>Ông Tuyến thừa nhận: “Bà con nói đúng. Công nghệ thu phí hiện nay chưa tốt, bất tiện cho người dân. TPHCM không cho thu tiền mặt vì sợ cán bộ nhân viên bỏ túi, dẫn đến nhiều trường hợp muốn đóng tiền thì đóng không được. TPHCM đang nghiên cứu các giải pháp công nghệ. Vừa rồi UBND TPHCM xin ý kiến HĐND TPHCM cho kéo dài thời gian thí điểm để làm tốt hơn”.</p> <p>Về xây dựng trái phép, lãnh đạo UBND TPHCM lưu ý các địa phương nên tiếp thu ý kiến phản ánh của bà con.</p> <p>Ông Trần Vĩnh Tuyến chia sẻ: “Nhiều quận huyện đã xây dụng app trực tuyến để tiếp nhận thông tin, ý kiến phản ánh của người dân và xử lý vi phạm rồi báo cáo kết quả cho bà con. Nếu báo rồi không thấy xử lý thì sẽ dễ dàng truy ra có cán bộ nào bao che vi phạm hay không”.</p> <p><a href="https://www.tienphong.vn/xa-hoi/cu-tri-tphcm-can-bo-xay-nha-trai-phep-sao-khong-cuong-che-1501381.tpo"><em>Theo tienphong.vn</em></a></p> </div>