<div> <div> </div> <p class="t-j">Mục đích chiến dịch là thành lập một mạng lưới tình báo chống Liên Xô thông qua việc thổi bùng ngọn lửa di cư người Do Thái Liên Xô. Các “lò lửa” được ấn định là Moscow, Leningrad, Kiev, Minsk, Riga.. và nhiều thành phố khác - những nơi có đông người Do Thái sinh sống.</p> <p class="t-j">Hàng ngày, hàng dòng người Do Thái đổ đến các phòng làm việc của Vụ Xuất nhập cảnh – Bộ Ngoại giao Liên Xô làm thủ tục di cư sang Israel. Trong dòng người di trú đó có rất nhiều người cần cho tình báo Mỹ và Israel.</p> <p class="t-j">Điều bất cập ở đây là Liên Xô không thể cho phép xuất cảnh những người thuộc “nhân tố mang bí mật quốc gia”, nhưng nếu từ chối thì sẽ bị tố cáo là “vi phạm nhân quyền”. Đồng thời, những người bị từ chối sẽ tạo thành một lực lượng chống đối vô hình.</p> <table class="FmsArticleBoxStyle ImageBox ImageCenterBox Border-1 image"> <tbody> <tr> <td class="FmsArticleBoxStyle-Images image "><img alt="Cú đánh “hội đồng” của tình báo phương Tây vào Liên Xô" src="https://khds.1cdn.vn/2020/11/30/vnn-imgs-f-vgcloud-vn_cu-danh-hoi-dong-cua-tinh-bao-phuong-tay-vao-lien-xo.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="FmsArticleBoxStyle-Content image_desc">Ảnh minh họa</td> </tr> </tbody> </table> <p class="t-j">Mặt khác, tình báo Mỹ thông qua nhiều kênh, nhiều con đường đã tiến hành các cuộc vận động hành lang quốc tế, gây áp lực, biến vấn đề hoàn toàn nội bộ của Liên Xô thành vấn đề chính trị quốc tế. CIA và Mossad nuôi dưỡng những “người bị từ chối” là hoàn toàn có chủ đích. Họ tìm mọi cách xúi giục, đe doạ những người mang bí mật quốc gia xin di cư và biết chắc chắn rằng những người này sẽ bị từ chối.</p> <p class="t-j">Thực chất, đây là đòn đánh thử nhằm vào tính toàn vẹn của Nhà nước Liên Xô và độ bền vững của chế độ Xô-viết. Nhất cử lưỡng tiện, những người bằng cách này hay cách khác được phép di cư đã trở thành nguồn cung cấp hào phóng cho tình báo Mỹ những tin tức có giá trị về tiềm lực quốc phòng, kinh tế, khoa học, kĩ thuật của Liên Xô.</p> <p class="t-j">Tuy nhiên, chính CIA chứ không phải ai khác, phải chịu trách nhiệm về hậu quả của chiến dịch Key Key Mountain: Hàng chục vạn người Do Thái đã bị tống khứ khỏi nơi ở yên ấm của mình bởi những mối đe doạ hão huyền, nhưng lại không tìm được chân trời hạnh phúc trên tổ quốc lịch sử của mình (Israel) như được hứa hẹn.</p> <p class="t-j">Một đồng minh quan trọng khác của CIA trong cuộc chiến chống Liên Xô là Cơ quan Tình báo Anh (SIS). Trong các năm 1983-1985, tại nước Anh đã có 26 công dân Liên Xô bị SIS tuyển mộ, khống chế; 25 người khác được đề nghị lưu vong, không trở về Tổ quốc.</p> <p class="t-j">Tại Liên Xô, tổ điệp báo của SIS không đông, song nhiều nhân viên lão luyện. Họ hoặc núp dưới bình phong cán bộ sứ quán Anh tại Moscow, hoặc thâm nhập Liên Xô qua con đường thực tập sinh, giáo viên tiếng Anh, hợp tác khoa học kĩ thuật và nhân đạo.</p> <p class="t-j">Thực thi thoả thuận với CIA, tình báo CHLB Đức (BND) cũng tăng cường tuyển mộ công dân Liên Xô trên lãnh thổ Tây Đức và các nước thứ ba. BND thường cử các thương gia Tây Đức đến công tác tại Liên Xô để làm quen và sơ bộ nghiên cứu “đối tượng”, trả công rất hậu cho những người này chỉ vì những dịch vụ, giúp đỡ đơn giản, để rồi dần đưa đối tượng vào tròng.</p> <p class="t-j">BND cũng áp dụng thủ đoạn dụ dỗ thân nhân những người Liên Xô đang công tác ở nước ngoài để tuyển mộ họ. Tình báo CHLB Đức còn cài cắm nhiều điệp viên vào cộng đồng cựu công dân Liên Xô di cư sang Tây Đức nay trở về thăm đất nước.</p> <p class="t-j">Để đảm bảo tính bí mật cao, BND áp dụng một chiến thuật mang tính nguyên tắc là: Tạo các nguồn cung cấp tin mà không cần tuyển mộ chính thức. Nói cách khác, họ không cần kí kết hợp tác. Họ bỏ cả chế độ điệp viên báo cáo bằng văn bản, kí giấy biên nhận khi nhận tiền trả công hoặc tiền thưởng.</p> <p class="t-j">Tình báo Tây Đức còn tổ chức kiểm soát thư tín, nghe trộm điện thoại của các công dân CHLB Đức trao đổi với bạn bè, đồng nghiệp Liên Xô, định kì tra hỏi những người dân di cư.</p> <p class="t-j">Tình báo Pháp (DJSE) thường tìm hiểu sở thích của công dân Liên Xô, tìm cơ hội đáp ứng sở thích ấy rồi tiến hành tuyển mộ. DJSE cũng sở trường trong việc sử dụng công dân Pháp (chủ yếu là phụ nữ, lấy chồng Liên Xô) thực hiện các nhiệm vụ tình báo.</p> <p class="t-j">Các nhà ngoại giao một số nước cũng là nguồn quan trọng để tình báo Pháp tuyển mộ, sử dụng. Thời kì này, thông tin tình báo do Pháp cung cấp được Mỹ sử dụng thông qua Uỷ ban Phối hợp kiểm soát xuất khẩu hàng hoá vào các nước XHCN (COCOM) – một tổ chức do Mỹ và phương Tây kiểm soát mà mục đích là phong toả, chống phá kinh tế Liên Xô.</p> <p class="t-j">Có thể nói, đầu những năm 1980 là giai đoạn tình báo Mỹ và phương Tây đẩy mạnh hoạt động để đánh vỗ mặt Liên Xô. Tuy nhiên, phần lớn âm mưu của CIA và đồng minh đã bị phá sản trước con mắt tinh tường của các chiến sĩ phản gián Liên Xô.</p> <p> </p> </div> <p> </p>